- Nhưng đa dạng giới vẫn đang là một thách thức lớn trong sự phát triển, thưa bà?

Trong số các quốc gia tại Châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc xoá bỏ khoảng cách, giảm bất bình đẳng giới trên thị trường lao động. Tiêu biểu như việc Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2021, Việt Nam đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc giảm khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến lao động nữ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động năm 2020 đạt 68,7%, thấp hơn gần 11 điểm phần trăm so với nam giới, với mức thu nhập bình quân cũng thấp hơn 40%.

Một trong những rào cản lớn nhất của phụ nữ chính là định kiến “trọng nam khinh nữ” đặc trưng của văn hóa Á Đông. Nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi tuyển dụng lao động nữ bởi lo ngại những khoảng thời gian gián đoạn hoặc mất tập trung do phải gánh vác cả những thiên chức như chăm sóc con cái, vun vén gia đình.

Bên cạnh đó, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc của Việt Nam cũng chưa cao. Việt Nam cũng thiếu công cụ đo lường và đánh giá thực trạng bình đẳng giới tại doanh nghiệp.

- Nhưng bà có đồng ý với tôi rằng lợi thế về giới của nữ trong kinh doanh cũng tạo điều kiện cho chính phụ nữ phát huy?

Đúng vậy. Với người phụ nữ trong kinh doanh, họ có quyết tâm cao và rất quyết liệt trong công việc. Người phụ nữ sẽ có sự thấu hiểu nhân viên, khách hàng của mình tốt. Họ có sự hòa hợp tương tác trong công việc, trong nội bộ với bên ngoài. Người phụ nữ sẽ biết khi nào nên lùi lại, khi nào nên tiến lên, biết tạo ra sức mạnh của sự kết nối. Chính sự mềm mỏng sẽ giúp người phụ nữ có nhiều lợi thế hơn trong làm việc cùng đối tác. Tôi nghĩ, phụ nữ có rất nhiều hấp lực để tạo ra cuộc đám phán thành công.

Chính vì vậy, thúc đẩy bình đẳng giới trong các chính sách nhân sự sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tăng mức độ hài lòng của nhân viên, tăng cường khả năng sáng tạo và cống hiến của họ. Đây chính là cơ sở để hình thành và phát triển một môi trường làm việc hiệu quả, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, góp phần thu hút và giữ chân nhân tài.

Theo Báo cáo nghiên cứu “Con đường dẫn đến thành công: Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý tại Việt Nam” của ILO, đa dạng giới là một chiến lược kinh doanh thông minh, giúp tăng lợi nhuận và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

- Deloitte Việt Nam từng nhận chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Economic Dividends for Gender Equality - Lợi ích kinh tế từ bình đẳng giới), cấp độ MOVE. Từ câu chuyện của Deloitte, theo bà mỗi doanh nghiệp cần có những hành động cụ thể nào để hiện thực yêu cầu bình đẳng giới trong kinh doanh?

Theo tôi, để thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp về bình đẳng tại nơi làm việc, trước tiên, doanh nghiệp cần nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách nhân sự tại doanh nghiệp mình, để từ đó đưa ra được mục tiêu, chiến lược và hành động cụ thể.

Cần tập trung ưu tiên vào thay đổi văn hóa doanh nghiệp và các chương trình phát triển con người, bao gồm: Đa dạng hóa lực lượng lao động tại công ty; Tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ trong tuyển dụng, làm việc và lộ trình thăng tiến; Đào tạo về bình đẳng giới tại doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể áp dụng các công cụ đo lường tiêu chuẩn quốc tế về bình đẳng giới tại nơi làm việc như chứng chỉ EDGE.

- Bản thân bà cũng từng chia sẻ, bình đẳng giới là “chìa khoá” để phát triển doanh nghiệp bền vững, thưa bà?

Việc tạo dựng và đảm bảo các giá trị bình đẳng, tạo môi trường công bằng và phát triển cho cá nhân người lao động không phụ thuộc vào các yếu tố giới, tuổi tác… cần được quan tâm và coi là yếu tố đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp.

Những thách thức để phát triển và thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng cao hiện nay sẽ là cơ hội và là đòi hỏi tất yếu để các doanh nghiệp thay đổi từ tư duy đến hành động.

Đầu tư thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc chính là đầu tư xây dựng nội lực cho doanh nghiệp và là khoản đầu tư mang lại giá trị bền vững.

- Xin cảm ơn bà!

Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Đầu tư vào trao quyền kinh tế cho phụ nữ mở ra con đường dẫn tới bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế toàn diện. Phụ nữ luôn có những đóng góp to lớn đối với nền kinh tế, dù làm kinh doanh hay nông nghiệp, dù là nhà quản lý hay người lao động, và ngay cả khi làm những công việc chăm sóc không lương tại nhà.

Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra nhấn mạnh: “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Chương trình Nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước xóa bỏ hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW mà Việt Nam đã cam kết thực hiện...”