Nhiều ngày nay, câu chuyện về dịch bệnh viêm phổi do COVID-19 lây lan từ Trung Quốc về Việt Nam khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Trong khi đó, các thông tin sai lệch về tình hình bệnh dịch được tuyên truyền đầy trên mạng.

Luật sư Đăng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc đưa tin về tình hình dịch bệnh được quy định tại Điều 41 Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007, cụ thể các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về tình hình sau khi dịch đã được công bố và công bố hết dịch theo đúng nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp. Hành vi bị nghiêm cấm là thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, điểm d khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tạo ra hoài nghi, hoang mang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Do đó, cơ quan chức năng tùy vào tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả gây ra để xử lý người tung tin đồn về hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính, theo điểm a Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị xử phạt mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân.

Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định về hành vi vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, theo đó hành vi Cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm để kích động, gây phương hại đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Cường, trường hợp người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự với mức phạt tiền lên đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 3 năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp phạm tội có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam thì có thể bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.