Tình trạng nhiều dự án đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định vẫn nghiễm nhiên triển khai bình thường đang trở lên ngày càng phổ biến. Đáng nói, khi bị phanh phui, chủ đầu tư dường như lại càng thấy an toàn trước quyết định xử phạt hành chính của chính quyền địa phương, bởi, nộp phạt xong thì dự án vẫn mặc nhiên tồn tại. Thực trạng này, không chỉ là hành vi coi thường pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến quy hoạch và môi trường sinh thái xung quanh. Đáng nói, lâu rồi thành quen, thực trạng trên đang trở thành một tiền lệ xấu mà bất cứ ở đâu cũng có thể xảy ra.

dfzszbf

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên bị san lấp khi chưa đủ hồ sơ pháp lý theo quy định

Như tại Hưng Yên, dù chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án theo quy định, nhưng Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát đã tự ý san lấp 2,7 ha đất trồng lúa trái phép của người dân. Tuy nhiên, với hành vi trên, doanh nghiệp này chỉ bị phạt tiền 160 triệu đồng, cùng với đó phải dừng ngay việc tự ý san lấp mặt bằng; hoàn thiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất để thực hiện dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Một hành vi coi thường pháp luật bị phạt với giá 160 triệu đồng trong khi cả dự án vẫn nghiễm nhiên tồn tại, cho nên, tại Hưng Yên, đây, không phải là tình trạng duy nhất.

Cùng với hành vi tương tự, khi thực hiện dự án tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ thương mại PLC cũng đã tự ý san lấp 2,2 ha; Công ty Cổ phần nhựa Tuệ Minh san lấp 2,7ha; Công ty TNHH thương mại quốc tế Intraco san lấp 2,1ha; tất cả diện tích các doanh nghiệp này thực hiện san lấp mặt bằng đều là diện tích trồng lúa khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý và cùng bị phạt với số tiền 160 triệu đồng, tạm dừng hoàn thiện hồ sơ... để tồn tại(?).

Thực trạng đáng buồn trên đến bao giờ sẽ kết thúc? Chắc chỉ khi ngoài những biên lai xử phạt hành chính đang thịnh hành kèm theo đình chỉ và thu hồi dự án thì lúc đó doanh nghiệp mới có ý thức chấp hành nghiêm.

Không chỉ tại tỉnh Hưng Yên, sai phạm của Công ty Tiên Sơn khi tự ý san lấp mặt bằng và xây dựng công trình trái phép tại Dự án Nhà máy may xuất khẩu Quý Lộc ở thôn 6, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù, diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng phía chính quyền địa phương không có động thái kiểm tra hay xử lý.

Trong khi đó, Công ty Tiên Sơn vẫn chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường và xây dựng nhưng đã ngang nhiên đưa công nhân, máy móc, xe cộ vào tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng nhiều hạng mục công trình trái phép.

Hay tại Quảng Ngãi, mặc dù 30/87 hộ dân có diện tích nằm trong vùng dự án vẫn chưa được đền bù, lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nhưng Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Gia An vẫn ngang nhiên cho san lấp mặt bằng dự án. Đáng nói, trong quãng thời gian này dự án của doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. Những thiệt hại của người dân là rõ ràng như vậy, nhưng đến khi sai phạm bị phanh phui, thì doanh nghiệp trên cũng chỉ bị xử phạt 300 triệu đồng.

fdjvfjjvfkl

Một dự án tại Quảng Ngãi san lấp cả phần diện tích lúa đang vào vụ của người dân

Những mức phạt nặng có, nhẹ có nhưng thiệt hại thực tế ai cũng có thể thấy ở trong những hiện trạng kể trên là một sự coi thường pháp luật. Nếu tình trạng trên cứ mãi kéo dài, ai sẽ là người chịu thiệt? Có chăng là những người dân? Khi diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp.

Không chỉ là những dự án trên diện tích đất nông nghiệp mới bị doanh nghiệp tự tung tự tác, một thực trạng khác còn khiến dư luận giật mình hơn trong thời gian gần đây khi chủ đầu tư dự án Hòn Tằm tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tự ý lấn biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Theo đó, kết quả kiểm tra xác định Công ty CP Hòn Tằm đã tự ý san ủi mặt bằng hơn 2.720 m2 tại khu vực tây nam đảo Hòn Tằm khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, có 2.321 m2 đất nằm trong phần diện tích đất liền xin mở rộng, 228 m2 đất nằm trong phần diện tích đất có mặt nước ven biển xin mở rộng, 172 m2 đất nằm ngoài diện tích đất xin mở rộng dự án. Mức xử phạt với hành vi trên là 110 triệu đồng.

Thực trạng ở nhiều địa phương, nhưng tựu chung vẫn một kịch bản, bất tuân những quy định mà pháp luật đã đề ra. Phải chăng, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe? Hay, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang tìm mọi cách xem nhẹ? Việc phổ biến phạt hành chính xong để tồn tại, có đang thành tiền lệ xấu?