p/Các loại hình được quy định trong Luật Doanh nghiệp bao gồm cả pháp nhân và cá nhân, do đó đưa hộ kinh doanh vào luật là phù hợp.p/Ảnh: S.T

Các loại hình được quy định trong Luật Doanh nghiệp bao gồm cả pháp nhân và cá nhân, do đó đưa hộ kinh doanh vào luật là phù hợp. Ảnh: S.T

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã dành một chương về hộ kinh doanh (Chương VIIa).

Khơi thông nguồn lực, giảm bớt chồng chéo

Bàn luận về khuôn khổ pháp lý cho hộ kinh doanh, hiện nay có hai luồng quan điểm chính: Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vì các lý do như: nội dung quy định về hộ kinh doanh tại Dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Lý do đưa ra là xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định.

Đáng chú ý, rất nhiều ý kiến tán thành với luồng ý kiến thứ nhất, tức luật hóa quản lý hộ kinh doanh bằng cách đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp chứ không xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh. Bởi suy cho cùng, việc luật hóa quy định hộ kinh doanh sẽ có lợi cho cả hộ kinh doanh và nền kinh tế, đặc biệt là sẽ khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Nếu làm luật riêng về hộ kinh doanh thì kéo dài thêm mấy năm nữa, trong khi luật hóa ngay thì có lợi cho nền kinh tế, nên không nhất thiết phải cầu toàn.

Nói như Chủ tịch VCCI, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình), các loại hình được quy định trong luật bao gồm cả pháp nhân và cá nhân, do đó đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị quy định hộ kinh doanh là doanh nghiệp 1 chủ trong nền kinh tế nước ta.

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, xét về bản chất, vấn đề này chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, việc quy định hộ kinh doanh trong Dự thảo Luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Bình đẳng cho các loại hình kinh doanh

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tháng 11/2019, cả nước hiện có khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động.

Cho nên với quy mô hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh, không thể phủ nhận bộ phận hộ kinh doanh cá thể cùng với đội ngũ doanh nghiệp đã, đang giữ vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế.

Vì vậy, nếu đối tượng này đưa vào luật sẽ nâng cao chất lượng lao động, tạo sự chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh... Hơn nữa, việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp sẽ có tư cách pháp nhân khi giao dịch với khách hàng và khi mở rộng kinh doanh sẽ có cơ sở để vay vốn ngân hàng và mở rộng đối tác kinh doanh.

Nói như đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sẽ bảo đảm quyền bình đẳng giữa các loại hình, chủ thể kinh doanh hiện có.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp có lợi cho hộ kinh doanh, chứ không cản trở hoạt động của loại hình này.

Bên cạnh đó, việc đưa vào luật cũng khẳng định tính định danh cho loại hình hộ kinh doanh, tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi, áp dụng các chương trình hỗ trợ, gỡ bỏ rào cản, vướng mắc trong quản lý các hộ kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, vấn đề này không làm phát sinh các thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp.

“Nếu đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật riêng thì sẽ cần ít nhất 3 năm nữa mới xây dựng xong được luật. Do đó, khi nào cần thiết sẽ xây dựng luật trên cơ sở chuyển toàn bộ nội dung được quy định trong Luật Doanh nghiệp sang luật mới”, ông Dũng nói.