Cung đường xa xấp xỉ 10.000 km giờ đây đã được chinh phục bởi “con đường tơ lụa” mới xuyên đa quốc gia. Và đích đến là Hà Lan.

 Chuyến tàu chuyên chở container từ Hà Nội đi châu Âu khởi hành sáng 20/7. Ảnh: VNR

Chuyến tàu chuyên chở container từ Hà Nội đi châu Âu khởi hành sáng 20/7. Ảnh: VNR

Tuy nhiên trong lúc đường sắt chúng ta đã kết nối, chuyển động và lăn bánh đi được rất xa ra ngoài vùng biên giới, một cung đường ngắn khác chỉ khoảng tầm hơn 300km, từ Đà Lạt xuống TP HCM thì dường như vẫn nằm trong những nút thắt vì sự cố thủ, giữ cách thức cứng nhắc khi kết nối chuỗi cung ứng, sự điều phối chưa đồng bộ thời chống dịch. Rau, Hoa Đà Lạt – nguồn xanh lớn của TP HCM bỗng chốc bị thiếu hụt. Và hàng loạt xe tải chuyển hàng nối đuôi nhau nằm chờ được đi tiếp qua các chốt kiểm dịch. Ta chợt nhận ra đã bao lâu rồi tuyến đường sắt Sài Gòn – Đà Lạt chỉ còn trong dĩ vãng khi nó chỉ còn để phục vụ những chuyến du lịch ở TP ngàn hoa.

Hoạt động phục vụ du lịch là đúng, dĩ nhiên, trong thời bình thường. Còn trong thời dịch bệnh, khi đến con virus cũng biến chủng để tồn tại và gây hại, thì tại sao chúng ta không linh hoạt biến đổi để vượt qua nó? Những chuyến tàu vận chuyển hàng không chỉ ở Đà Lạt mà từ các vùng cung cấp thực phẩm tiêu dùng trong chuỗi cung ứng thiết yếu vùng và liên vùng, nếu biết điều phối để nhận hàng, xếp hàng, khử trùng, vận tải và trả hàng nhịp hàng, sẽ giảm thiếu tối đa chi phí vận tải, kiểm dịch, chi phí thiệt hại vì hoa màu bị ùn ứ đầu cung hoặc đến đích thì đã phải đổ bỏ. Mọi sự linh hoạt để đạt hiệu quả chung chống dịch và đảm bảo chuỗi cung ứng trong, ngoài nước lúc này đều cần sự chủ động nhập cuộc.