>> Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp vẫn “loay hoay” vì áp lực chi phí

Theo thống kê cho thấy, mặc dù mặt hàng xăng dầu đã liên tiếp giảm mạnh sau 2 phiên điều chỉnh vừa qua, thế nhưng, giá hàng hóa không chỉ tăng tại các chợ, mà ở siêu thị vẫn “neo đậu” ở mức cao. Cụ thể, giá thịt lợn mát Meat Deli như nạc vai có giá 141.900 đồng/kg, thịt ba chỉ 177.900 đồng/kg tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với trước đó.

Không chỉ thịt lợn, mặt hàng rau xanh cũng tăng giá mạnh, hiện hành lá tăng từ 35.000 lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg; rau muống từ 10.000 lên 15.000 đồng/bó, cải thảo (Trung Quốc) từ 15.000 lên 22.000 đồng/kg… Ngay cả nhóm hàng hóa nhập khẩu như sữa, các loại ngũ cốc dinh dưỡng,… cũng ở mặt bằng giá mới.

Giá cả hàng hóa vẫn tạo áp lực lên đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp dù giá xăng dầu đã giảm sâu 2 phiên liên tiếp - Ảnh minh họa

Giá cả hàng hóa vẫn tạo áp lực lên đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp dù giá xăng dầu đã giảm sâu 2 phiên liên tiếp - Ảnh minh họa

Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng xăng dầu. Thông thường doanh nghiệp muốn tăng giá sản phẩm thì phải đề xuất và mất vài tháng để siêu thị cân nhắc, tính toán có nên đồng ý tăng hay không. Vì vậy, vào thời điểm này doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá hàng hóa nhưng tuần sau xăng tăng trở lại họ không thể yêu cầu siêu thị tăng giá ngay. Đây là lý do khiến nhà cung cấp cân nhắc việc giảm giá hàng hóa ngay sau khi xăng dầu giảm giá.

Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - Đinh Thế Hiển nhận định, giá xăng dầu giảm thì chắc chắn những hàng hóa có tác động trực tiếp phải giảm như cước phí xe chở khách du lịch, xe vận tải dạng hợp đồng. Sau đó, sẽ có những sản phẩm lần lượt được giảm theo tùy theo sự tác động ở mức độ nào của giá xăng dầu. Bởi với nhiều sản phẩm, xăng dầu chỉ chiếm một phần chi phí trong giá thành. Trong khi đó, giá thành hàng hóa còn phụ thuộc vào các chi phí đầu vào, từ nguyên phụ liệu đến nhân công và cả cung - cầu trên thị trường.

“Hiện nay, chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường lao động vẫn chưa hoàn toàn hồi phục như thời điểm trước khi có dịch COVID-19 đã khiến cho mặt bằng giá đều tăng lên cao nên khó giảm đồng loạt, riêng đối với các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, một số sản phẩm khi có dịch đã bị giảm vùng canh tác, chăn nuôi nên hiện nay nhu cầu hồi phục mạnh nhưng nguồn cung chưa tăng kịp, do vậy cũng sẽ khó giảm giá như kỳ vọng”, ông Hiển bày tỏ.

>> Giảm thuế nhập khẩu – Giải pháp cần thiết trong điều tiết giá xăng dầu

Theo các chuyên gia, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng xăng dầu - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng xăng dầu - Ảnh minh họa

Còn theo chuyên gia kinh tế - Vũ Đình Ánh, giá xăng, dầu chỉ tác động mạnh đến ngành vận tải bởi nó chiếm tỷ trọng khoảng 30% chi phí ngành này. Đối với ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3,48% chi phí, nếu xăng, dầu tăng 10% thì giá hàng hóa chỉ tăng khoảng 3%, do đó, sẽ rất khó để giá hàng hóa giảm ngay trong 10 ngày (theo kỳ điều hành xăng dầu).

“Giá xăng giảm liên tiếp trong 2 kỳ điều hành vừa qua chỉ tạm thời làm giảm sức ép lên doanh nghiệp, góp phần chặn đà tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng, chặn nguy cơ lạm phát... chứ chưa thể đưa doanh nghiệp trở về trạng thái hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả để điều chỉnh giảm giá hàng hóa tiêu dùng”, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.

Đồng quan điểm đã nêu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính đánh giá, giá xăng dầu “hạ nhiệt” sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nhiên liệu của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, việc đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất giảm giá hàng hóa giảm ngay sau điều chỉnh xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ nhất định.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp sản xuất đang theo dõi xu hướng giá nhiên liệu thời gian tới giữ ổn định hay lại tăng, mới có quyết định điều chỉnh. Ít nhất mặt bằng giá hiện tại vẫn sẽ giữ nguyên cho tới kỳ điều hành xăng dầu tiếp theo. Nếu xăng tiếp tục giảm giá doanh nghiệp mới có thể tính toán giảm giá bán.

Thực tế, mặc dù giá xăng dầu đã giảm 2 lần liên tiếp trong những phiên điều chỉnh gần đây, thế nhưng, mặt bằng giá của một số chi phí đầu vào như: logistics, vận tải, nguyên liệu,… chưa có tín hiệu giảm khiến doanh nghiệp vẫn đứng trước không ít áp lực về mặt chi phí trong sản xuất kinh doanh.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thông thường khi giá xăng, dầu tăng sẽ tác động đến giá các loại hàng hóa khác và tạo nên mặt bằng giá mới. Do đó, cơ quan quản lý phải can thiệp ngay từ đầu. Mặc dù giá xăng, dầu đã giảm nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa còn đang nghi ngại liệu giá xăng có giảm ở mức bền vững không. Họ sẽ đặt ra câu hỏi “Giả sử như giá xăng, dầu giảm rồi lại tăng thì sao?”, cho nên giá cả các loại nguyên liệu, hàng hóa vẫn được các nhà cung ứng nghe ngóng, cân nhắc.

Vấn đề ở đây là cơ quan quản lý Nhà nước cần áp dụng Luật Giá năm 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, trong đó có quy định rõ ràng về quản lý Nhà nước đối với giá cả. Cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá (hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống), bao gồm: xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp,… Bên cạnh đó, yêu cầu phía nhà cung cấp nguyên liệu, hàng hóa phải thực hiện thẩm định giá theo đúng quy định.

“Tôi xin nhấn mạnh là phải tăng cường kiểm soát giá vì khi kiểm soát giá tốt thì thị trường sẽ tự điều chỉnh dần về mức hợp lý…”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân bày tỏ.