Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chạm đáy gần 10 tháng

Tại Việt Nam, giá gạo trắng 5% tấm trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017 là 390-395 USD/tấn so với mức 405-420 USD/tấn hồi tuần trước. Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu đang trong xu hướng giảm do nguồn cung lớn.

Tuy nhiên, các thương lái cho biết giá gạo đang có dấu hiệu tăng do mưa kéo dài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gây trở ngại cho vụ mùa hè thu.

“Măc dù giá gạo thấp hơn so với tuần trước, tuy nhiên những ngày gần đây, giá gạo đã tăng khoảng 5-10 USD/tấn”, một thương lái khu vực TP HCM cho biết.

Trong nửa đầu năm 2018 đã ghi nhận sự chuyển biến đáng kể đối với chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tăng đối với các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, và giảm ở loại gạo phẩm cấp trung bình (gạo trắng 5% tấm).

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho rằng, ngành lúa gạo của Việt Nam đang có những chuyển biến khá lạc quan, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương đã giúp nâng cao chất lượng lúa gạo.

Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm.

Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ.

Cần tìm thị trường có giá trị cao

Từ đầu năm đến nay, lúa gạo Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt nhờ sự đi đúng hướng vào các sản phẩm chất lượng cao. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo của các nước đang có xu hướng giảm do nguồn cung liên tục được bổ sung trong khi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn giảm. Do vậy, các doanh nghiệp cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gần một tháng nay, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “ở không”, do thị trường “vắng bóng” người mua.

Đơn cử như loại gạo OM5451, nếu như đầu năm nay được bán với giá trên 510 USD/tấn thì nay các đối tác chỉ trả 450 USD/tấn, họ vẫn chờ giá gạo Việt xuống mới mua.

Dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho thấy, khả năng giá lúa gạo trong nước từ nay đến cuối năm khó giữ ở mức cao như giai đoạn đầu năm, do tình hình sản xuất lúa gạo thế giới tăng trưởng khá dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước có xu hướng giảm.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2018-2019 sẽ tăng khoảng 1,3%, lên mức kỷ lục đạt 633 triệu tấn; trong đó, lượng tồn trữ từ niên vụ 2017/2018 tăng 5% so với một năm trước đó.

Trong khi, tồn trữ gạo thế giới cuối vụ dự kiến đạt 144,7 triệu tấn, tăng 900.000 tấn so với vụ 2017/18, là năm thứ 11 liên tiếp tăng vào cao nhất kể từ năm 2000/2001 (khi đạt 146,7 triệu tấn).

Nhiều nước dự báo tăng sản lượng như Bangladesh, Miến Điện, Cambodia, Indonesia, Madagascar, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam và Philippines. Như vậy, xuất khẩu gạo trong nửa cuối năm có thể sẽ gặp khó khăn, do giá được dự báo sẽ giảm tiếp do nguồn cung được bổ sung từ các nước.

“Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu để đảm bảo ổn định giá trong vụ Hè Thu sắp tới. Đồng thời, tiếp tục nâng tầm chất lượng gạo hướng tới các phân khúc thị trường có giá trị cao”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến nghị.