Hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/6 đã phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU), mở đường cho việc ký kết chính thức vào ngày 30/6 tới.

Đây là một Hiệp định mà EU đặt rất nhiều hy vọng vào Việt Nam và ngược lại, trong lịch sử đây là lần đầu tiên Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với đối tác là một liên minh tầm cỡ châu lục và là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á đạt được thỏa thuận đáng giá này sau Singapore.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel (Ảnh: AFP)

EVFTA được xem là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bởi vì ngoài ích lợi kinh tế như vốn có, còn quan tâm sâu sắc đến quyền lợi người lao động, doanh nghiệp, môi trường, các vấn đề xã hội, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhưng quan trọng hơn cả, Hiệp định này xóa bỏ gần như tất cả thuế quan cũng như hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa được lưu thông giữa hai bên. Đáng chú ý, các công ty ở EU có thể tham gia đấu thầu thực hiện các dự án, mua sắm một cách bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước.

Về đầu tư, Hiệp định cũng thiết lập các quy tắc tiên tiến nhất nhằm bảo vệ quyền chính đáng của chính phủ và nhà đầu tư hai bên. Nó sẽ thay thế các thỏa thuận đầu tư song phương mà 21 quốc gia thành viên EU hiện đang có với Việt Nam; đưa ra các đảm bảo pháp lý mới ngăn ngừa xung đột lợi ích và tăng tính minh bạch.

Sau khi Hiệp định được đại diện EU - là Ủy viên Thương mại Cecilia Malmström và Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nhân Rumani Ștefan-Radu Oprea ký thỏa thuận với phía Việt Nam, sẽ được trình lên Nghị viện EU để thông qua bước cuối cùng.

EVFTA là Hiệp định rất có ý nghĩa với cả EU và Việt Nam, một mặt mở đường cho hàng hóa - đặc biệt là nông sản Việt Nam vào thị trường đẳng cấp cao; mặt khác Việt Nam có cơ hội đón dòng vốn FDI, kinh nghiệm quản lý, khoa học công nghệ… từ 21 quốc gia châu Âu chỉ với một cơ sở pháp lý thống nhất. Đồng thời EU sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN thông quan cửa ngõ Việt Nam.