Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước ngày 14/9/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước ngày 14/9/1946.

Đó là nội dung được đưa ra trong Báo cáo của Tổng thanh tra Guesde ngày 28/11/1919. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Hồ Chủ Tịch đọc ngày 2 tháng Chín năm 1945 bắt đầu bằng việc trích dẫn Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Câu trích Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ là "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc". Việc dịch "the pursuit of Happiness" thành "mưu cầu Hạnh phúc", đặc biệt ở thời điểm cách đây hơn 70 năm, theo tôi là rất tài tình. Liệu có một "chuyên gia", một "học giả" nào đó giúp Hồ Chủ Tịch trong việc soạn thảo văn bản quan trọng này không? 

Câu trả lời ta có thể tìm được trong cuốn sách Hồ Chí Minh một cuộc đời của William J. Duiker. Hóa ra Cụ Hồ đã lường trước và tự tay làm tất cả. Trong những ngày tiền khởi nghĩa, nhằm cứu trợ phi công Đồng Minh bị Nhật bắn rơi, Cụ Hồ đồng ý cho một trung úy Mỹ tên là Dan Phelan nhảy dù xuống Tân Trào làm đại diện. Theo Duiker, "Một lần Hồ Chí Minh hỏi Phelan có nhớ đoạn mở đầu Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ không, bởi ông định sẽ đưa vào bản tuyên ngôn của nước ông". Phelan kể lại: "Nhưng thực ra thì có lẽ ông ấy biết về bản Tuyên ngôn ấy còn rõ hơn tôi" (tr. 301). Chuyện này chỉ là một ví dụ về khả năng ngoại ngữ của Hồ Chủ Tịch, người thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra, cụ Hồ còn biết tiếng Ý, Tây Ban Nha, Nga và tiếng Thái.

Từ nhỏ, Nguyễn Sinh Cung học chữ Nho với cụ Nguyễn Sinh Sắc. Một số bài thơ chữ Hán của Cụ Hồ sau này thuộc loại hay nhất trong thể thơ Đường Luật ở Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng học chữ Hán với học tiếng Trung Quốc là hai chuyện khác nhau. Việc Hồ Chủ Tịch sống và hoạt động khá lâu tại Trung Quốc, trong hoàn cảnh phải giữ bí mật, cho thấy Cụ phải rất tinh thông tiếng Trung Quốc.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Ở trường Quốc Học Huế, Nguyễn Tất Thành có học ít nhiều tiếng Pháp, nhưng tiếng Anh chắc chỉ tự học (mãi đến năm 1913 Tất Thành mới sang London học tiếng Anh). Rời Việt Nam năm 1911 trên chiếc tàu buôn Amiral Latouche Tréville bằng công việc làm phụ bếp đầu tắt mặt tối, bôn ba khắp châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, vậy mà năm 1912, khi đến Hoa Kỳ, Tất Thành đã có thể tham dự các buổi diễn thuyết của lãnh tụ da đen người Jamaica Marcus Mosiah Garvey và các cuộc họp của tổ chức Universal Negro Improvement Association do ông sáng lập. Về sau Hồ Chủ Tịch kể lại, quá xúc động trước bài diễn thuyết của Marcus Garvey, Tất Thành đã vét sạch cái túi còm của mình để ủng hộ.

Về khả năng giao tiếp tiếng Anh của Hồ Chủ Tịch, Duiker kể một chuyện thú vị. Năm 1944, một chiếc máy bay Mỹ bị hỏng máy, rơi xuống vùng biên giới Trung-Việt. Viên phi công, trung úy Rudolph Shaw nhảy dù, được cán bộ Việt Minh dẫn đến Pác Bó gặp Cụ Hồ Chủ Tịch. Shaw kể lại trong hồi ký rằng anh ta xúc động đến mức ôm chầm lấy Hồ Chủ Tịch: "Khi nghe ông nói, tôi tưởng là tôi đang nói chuyện với bố mình ở Mỹ" (tr. 283). Sau đó, Hồ Chủ Tịch cùng viên phi công Mỹ sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, "già Hồ" (tên lóng do những người Mỹ khi đó gọi Hồ Chí Minh) gặp và làm việc với Tư Lệnh quân đoàn không quân số 14 Hoa Kỳ Claire Chennault - hoàn toàn không có phiên dịch.

Trình độ tiếng Pháp của Hồ Chủ Tịch còn đáng kinh ngạc hơn. Đến Pháp vào khoảng năm 1917, chàng trai hai mươi bảy tuổi kết thân với nhiều nhà hoạt động cách mạng quốc tế như Paul Vaillant-Couturier (Pháp), Jean Ralaimongo (Madagascar), Louis Hunkanrin (Dahomey), Abdelkader Hadj Ali (Algeria) và Lamine Senghor (Senegal)... Nhận thấy kỹ năng viết báo là vô cùng cần thiết cho hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc bắt tay vào học. Quá trình khổ luyện của Nguyễn Ái Quốc để học viết báo được Trần Dân Tiên mô tả trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch và về sau được chính Hồ Chí Minh kể lại trong bài Cách viết (1953). Nhưng đáng tin cậy nhất là hồ sơ của mật thám Pháp. Nhiều nhà nghiên cứu đã khảo sát các hồ sơ này, các đoạn dưới đây đều trích từ cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923) của Thu Trang.

Báo cáo của Tổng thanh tra Guesde ngày 28/11/1919 có ghi: “Nguyễn Ái Quốc đã ở châu Âu từ 5 đến 6 năm, đã từng ở Anh và nói trôi chảy hai thứ tiếng Anh và Pháp, ông ta cũng tự cho biết là nói được cả tiếng Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi nữa”. Mật thám Pháp cũng theo sát và mô tả chi tiết những hoạt động đa dạng của Nguyễn Ái Quốc: diễn thuyết, tranh luận, gặp gỡ nhiều người nổi tiếng, trong đó có cả Bộ trưởng Bộ thuộc địa, nguyên Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut.

Ở Paris, rất nhanh chóng, Nguyễn Ái Quốc trở thành một cây bút quan trọng của báo chí cách mạng. Không chỉ viết báo, tiểu luận, Nguyễn Ái Quốc còn viết truyện. Nhiều truyện ngắn của Hồ Chí Minh khá độc đáo và hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh đầu thập niên 1920, nghĩa là mấy năm trước Tố Tâm và hàng chục năm trước Tự Lực Văn Đoàn.

Sự mẫn cán của mật thám Pháp trong trường hợp này thật là đáng ca ngợi. Chính nhờ họ mà ngày này ta biết được Nguyễn Ái Quốc đã miệt mài trong các thư viện Paris ra sao. Cũng nhờ họ, chúng ta biết được khá tường tận quá trình sáng tác của Nguyễn, từ việc hình thành ý tưởng, sưu tầm tư liệu, lập đề cương, đến tiến độ hoàn thành bản thảo, và cả việc mời người viết lời tựa. Chẳng hạn, trong mật báo ngày 9-16/3/1920 của viên mật thám tên Jean: “Quốc đã viết xong cuốn sách và sẽ đi gặp ông Cachin và Longuet để nhờ viết tựa”. Trong một mật báo khác đề ngày 29/4/1920: “Hôm nay, Nguyễn Ái Quốc đã viết xong kết luận cuốn sách”. Cũng chính tên mật thám ấy viết tên mật thám Jean viết ngày 18/12/1919: Quốc vì bị thu hút vào việc học tập nên có vẻ không ưa phụ nữ. Điều đáng khâm phục sự dấn thân của Nguyễn: mặc dù bị mật thám theo dõi chặt, người ta không thấy có bất cứ một thói hư tật xấu nào ở người thanh niên mới ngoài hai mươi ấy.

Hồ Chủ Tịch được tạp chí Time chọn là một trong 20 nhà chính trị có ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ XX. Nhưng chỉ riêng khả năng và thái độ học ngoại ngữ của Hồ Chủ Tịch cũng đã là điều đáng cho chúng ta khâm phục và noi theo.