Đêm 20 và rạng sáng 21/3, lực lượng công an Hải Dương đã bắt giữ 5 tàu vận chuyển cát không rõ nguồn gốc trên sông Thái Bình, qua địa bàn xã Đại Sơn (Tứ Kỳ).

Các tàu bị bắt, gồm tàu vỏ sắt VP-1434 do Nguyễn Văn Công (sinh năm 1989 ở phường An Lạc, TP Chí  Linh) điều khiển, chở hơn 344m3 cát; tàu NĐ-3360 do Trần Văn Hưng (sinh năm 1990) điều khiển, chở hơn 368m3 cát; tàu vỏ sắt NĐ-2840 do Trần Phú Hùng (sinh năm 1974, cùng ở xã Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định) điều khiển, chở 335m3 cát; tàu VP-1266 do Nguyễn Công Thức (sinh năm 1985) điều khiển, chở hơn 440m3 cát; tàu VP-1833 do Bùi Thanh Sơn (sinh năm 1977, cùng ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển, chở  480m3 cát.

Tại thời điểm kiểm tra, các chủ tàu không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn có liên quan đến nguồn gốc số cát trên tàu. Công an Tứ Kỳ đã ra quyết định tạm giữ và lập hồ sơ xác minh xử lý 5 chủ tàu trên theo quy định.

Lực lược chức năng bắt giữ phương tiện hút cát trái phép tại Uông Bí.

Lực lược chức năng bắt giữ phương tiện hút cát trái phép tại Uông Bí.

Trước đó, ngày 20/3, tại phường Năm Phương, TP Uông Bí (Quảng Ninh), Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cũng đã phát hiện một tàu xi măng không BKS, do Trần Văn Mức và Đoàn Văn Quyết, đều sinh năm 1986, trú tại khu 16, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương điều khiển, có hành vi bơm hút cát vào khoang tàu, đưa lên bãi tập kết ở gần đó. Thời điểm kiểm tra 2 đối tượng này không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số cát trên tàu. Đồng thời còn phát hiện trên tàu có lắp máy bơm, máng sàng, ống cao su có đầu gắn chõ sắt sử dụng để khai thác cát.

Điều tra mở rộng, Cơ quan Công an còn phát hiện trên bãi tập kết thuộc khuôn viên của Công ty TNHH Thành Đạt Uông Bí có 4.186,97 m3 cát không có nguồn gốc, giấy tờ hợp pháp. Theo một số người dân, số lượng cát này đã tập kết nhiều ngày qua. Điều đáng nói là, vì sao khối lượng cát lớn đến vậy mà địa phương không phát hiện và xử lý? Hiện cơ quan công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra làm rõ sự việc.

Không chỉ có cát, mà công tác quản lý các nguồn tài nguyên khác trên địa bàn Quảng Ninh thời gian gần đây đang cho thấy nhiều bất cập. Như vụ việc than lậu tại khu vực Km6, TP Cẩm Phả mới đây được báo chí phản ánh, một khối lượng lớn tài nguyên than đã bị thất thoát. Than ở đâu được chở xuống cảng, trách nhiệm thuộc về ai và sẽ xử lý như thế nào? Là câu hỏi mà dư luận đang chờ tỉnh Quảng Ninh trả lời.

Điểm khai thác quặng tại Mông Dương đang gây ra những hệ lụy lớn về môi trường và sức khỏe nhiều người. Ảnh Lê Cường

Điểm khai thác quặng tại Mông Dương đang gây ra những hệ lụy lớn về môi trường và sức khỏe nhiều người. Ảnh Lê Cường

Hay những ngày vừa qua, người dân Phường Mông Dương, TP Cẩm Phả phản ánh Công ty cổ phần Đầu tư tài nguyên – môi trường Việt Nam khai thác, tận thu quặng trái phép gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe của người dân nhưng cũng chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc.

Cát, than, quặng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá có hạn, nếu không được bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt. Đặc biệt là cát, sỏi, việc cạn kiệt sẽ dẫn đến nguy cơ về xói mòn, sạt lở, thu hẹp đất liền ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng người dân và sự phát triển chung của đất nước.