Giày da là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường EAEU.

Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường EAEU.

Khối EAEU gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. VN – EAEU FTA được ký kết ngày 29/5/2015. Năm 2018 là năm thứ 2 VN – EAEU FTA có hiệu lực kể từ 05/10/2016. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 150/2017/NĐ - CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện VN - EAEU FTA giai đoạn 2018 - 2022.

Những con số biết nói

Còn nhớ, ngay sau khi có hiệu lực, Hiệp định đã chứng tỏ tính hiệu quả một cách đầy thuyết phục. Cụ thể, quý I năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU đã tăng 29,4% so với quý I năm 2016. Ngoài ra, năm 2016, khoảng 90% dòng thuế giữa VN - EAEU đã giảm xuống mức 0%. Điều này đã thúc đẩy tổng kim ngạch thương mại song phương 11 tháng đầu năm 2017 đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là những con số biết nói cho thấy những chuyển biến tích cực trong trao đổi thương mại giữa hai bên kể từ khi EAEU có hiệu lực.

Hiện nay, Nga là quốc gia đứng thứ 17 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, 20 dự án đầu tư đang được Việt Nam triển khai thực hiện tại Nga. Trong đó phải kể đến Tập đoàn TH True Milk với dự án sản xuất và chế biến sữa ở khu vực ngoại thành Moscow, tỉnh Kaluga và vùng Viễn Đông của Nga với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD. Ngoài ra, Công ty liên doanh Nga-Việt Rusvietpetro đang nâng cao sản lượng khai thác dầu ở vùng Viễn Bắc phần châu Âu của Nga. Ngoài khu vực thị trường Nga, Việt Nam cũng đã ký thoả thuận với Belarus liên quan việc thành lập 2 Nhà máy ô tô Minsk liên doanh ở Việt Nam. Cụ thể là lắp ráp xe tải và xe buýt. Các công ty của Việt Nam và Kazakhstan đang tiến hành công việc nhằm tạo ra hành lang vận chuyển giữa Kazakhstan và Việt Nam.

Có được điều này là do quan hệ thương mại Việt Nam – EAEU là quan hệ bổ sung cho nhau. Trong đó, EAEU có nhu cầu lớn về tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, điện tử, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, rau quả, thuỷ sản. Về phía EAEU, những sản phẩm mà thị trường này có thế mạnh là nguồn nguyên liệu quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu như hoá chất, sản phẩm phụ vụ công nghiệp giấy.

Đây là những lý do quan trọng đã lý giải vì sao doanh nghiệp Việt Nam rất ủng hộ FTA này kể từ khi còn trong quá trình đàm phán.

Các thị trường ngoài Nga “dậm chân tại chỗ”

Tuy nhiên, Nga vẫn đang là nước chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU, nên các quốc gia khác gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Lý giải về một trong những nguyên nhân khiến Nga vẫn là thị trường chủ đạo trong khu vực EAEU, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có được thông tin đầy đủ về cách thức tận dụng ưu đãi thuế quan trong hiệp định này. Ngoài ra, các điều kiện dường như còn “chặt” đối với các hàng hoá hưởng ưu đãi. Chẳng hạn như chỉ cho phép vận chuyển trực tiếp hàng từ Việt Nam đi EAEU mà không được chia nhỏ lô hàng ở nước thứ ba, cơ chế ngặt nghèo đối với hàng dệt may và đồ gỗ…”.

“Doanh nghiệp còn thiếu thông tin về nhu cầu của các thị trường đối tác EAEU, đặc biệt là các thị trường ngoài nước Nga. Các quy trình, thủ tục kiểm soát TBT, SPS ở các thị trường EAEU cũng không thật sự minh bạch, dễ thay đổi, khiến doanh nghiệp lúng túng. Ngoài ra, phương thức thanh toán chưa an toàn và thuận lợi”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Vì vậy, Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN -EAEU FTA được kỳ vọng sẽ là một trong những “kim chỉ nam”quan trọng để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ hiệp định này mang lại.

Hiện nay, câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng triệt để cơ hội từ các FTAs không phải là câu chuyện mới. Song, với một thị trường còn nhiều dư địa, mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời, bổ sung lẫn nhau thì không phải thị trường nào cũng như EAEU. "Vì vậy, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội đã có, đang có và sẽ có để phát huy lợi thế, trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế” như chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.