Theo quy định này, rất nhiều hành vi vi phạm phổ biến trước đây như việc trốn thuế, vi phạm môi trường, sa thải lao động trái pháp luật, không đóng bảo hiểm xã hội... doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các nhà điều hành có thể phải liên đới chịu trách nhiệm về những sai phạm từ doanh nghiệp của mình gây ra.

- Thưa ông, doanh nghiệp nên hiểu ra sao về quy định “Pháp nhân thương mại phạm tội” theo quy định mới vừa có hiệu lực?

Bộ luật Dân sự quy định pháp nhân bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận.

p/Những vụ án như tại OCEAN Bank theo Bộ luật Hình sự mới có thể khởi tố cả pháp nhân

Những vụ án như tại OCEAN Bank theo Bộ luật Hình sự mới có thể khởi tố cả pháp nhân

Theo quy định mới tại BLHS 2015 vừa có hiệu lực, điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm: (i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (ii) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (iii) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; và (iv) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại BLHS.

- Thưa luật sư, với kinh nghiệm lâu năm trong ngành tòa án, ông từng tham gia nhiều vụ việc hình sự về kinh doanh, điều gì ông nhận thấy về loại tội phạm này?

Tôi có 24 năm là thẩm phán và từng xét xử các vụ đại án lớn như Minh Phụng- Epco, Năm Cam, Phạm Huy Phước, các vụ án về Ngân hàng... Tôi đã thể hiện quan điểm trong các hội nghị tổng kết nguyên nhân xảy ra các vụ án kinh tế của ngành tư pháp.

Trách nhiệm của những người chủ doanh nghiệp ở cấp độ thấp là dân sự, hành chính, quan hệ lao động. Chế tài ở mức cao hơn là trách nhiệm hình sự. Người chủ doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật (bất kể cố tình hay vô ý) mà gây thiệt hại lớn, gây tổn thất cho xã hội, đất nước và người khác sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng. Trách nhiệm hình sự đã quy định cho Pháp nhân thương mại, đó là bước tiến trong ngành tư pháp về lĩnh vực này, một phần vì các nhà làm luật đánh giá tính nghiêm trọng của loại tội phạm này.

  Kể từ 01/1/2018, pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi vi phạm như trốn thuế, vi phạm môi trường, sa thải lao động trái pháp luật, không đóng bảo hiểm xã hội... 

Phần nhiều các chủ doanh nghiệp (có thể tính đến những người quản lý khác) bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị liên lụy đến các vụ án hình sự đều có chung đặc điểm là không nắm rõ các quy định về pháp luật hình sự cùng với các quy phạm pháp luật khác để tự điều chỉnh. Từ việc không nắm rõ như vậy, họ vướng phải những rủi ro không mong muốn trong quá trình hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp.

LS Vũ Phi Long là chuyên gia khách mời tại Hội thảo chuyên đề “Loại bỏ rủi ro hình sự, Doanh chủ cần làm gì?” tổ chức ngày 13-01-2018 tại Tp.HCM, đặt vé qua bigtime.vn/LP-3383 hoặc hotline 0903128450. Báo DĐDN là đơn vị bảo trợ truyền thông cho hội thảo đặc biệt này.

- Các hành vi như trốn thuế, vi phạm môi trường… trước đây đã có quy định về các tội phạm trong quản lý kinh tế, vậy điểm khác nhau (hay điểm mới) so với quy định cũ là gì, thưa ông?

Thực trạng hiện nay tồn tại nhiều tội phạm mới phát sinh. Chủ yếu là các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thuế, internet… Điều kiện cần là phải nội luật hoá nhiều quy định của nhiều điều ước quốc tế trong môi trường hội nhập quốc tế. Do vậy, BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới. Ví dụ, nhiều tội danh Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó bổ sung thêm 16 tội danh (chủ yếu tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm).

- Khi một doanh nghiệp vi phạm, làm thế nào để xác định lỗi hay có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp đó, thưa luật sư? Chúng tôi giả định sai phạm đó hoàn toàn là do nhân viên gây ra thì sao?

Pháp nhân thương mại tham gia vào quan hệ pháp luật là chủ thể bình đẳng, độc lập với các chủ thể khác cho nên pháp nhân thương mại phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Hai dạng năng lực của pháp nhân thương mại phát sinh đồng thời và thường là kể từ thời điểm đăng ký hoạt động được cấp phép hoạt động, với các chức năng, nhiệm vụ được đăng ký. Mọi hoạt động của pháp nhân thương mại được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân - người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Hành vi của những cá nhân này không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ, mà Pháp nhân thương mại tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho chính mình.

Chỉ khi nào những hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại thì mới làm phát sinh điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân đó. Người có thẩm quyền thực hiện hoạt động nhân danh pháp nhân thương mại có thể là người đại diện theo pháp luật, người quản lý, điều hành và những người được ủy quyền, phân công nhiệm vụ tại Pháp nhân thương mại đó.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 75 BLHS 2015 quy định Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Nghĩa là việc áp dụng hình phạt cho pháp nhân thương mại phạm tội không đồng nghĩa với việc bỏ qua trách nhiệm hình sự của cá nhân. Pháp nhân thương mại phải chịu hình phạt khi thỏa mãn các điều kiện tại khoản 1 Điều 75 BLHS 2015. Với cá nhân, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi của họ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS 2015.
Trường hợp người lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của pháp nhân thương mại lại phạm tội do vượt quá thẩm quyền được trao, hoặc lợi dụng danh nghĩa pháp lý hoặc vật chất của pháp nhân đó để thực hiện tội phạm vì quyền hoặc lợi ích của mình, thì về nguyên tắc chỉ có cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về tội phạm đó, còn pháp nhân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của họ. Quy định này hướng đến phòng ngừa những trường hợp cá nhân cố tình thực hiện hành vi phạm tội nhưng được che đậy dưới danh nghĩa pháp nhân thương mại.

- Ông có có lời khuyên nào cho các cấp giám đốc khi BLHS 2015 chính thức có hiệu lực thi hành không, thưa ông?

Khi BLHS 2015 đã bắt đầu có hiệu lực, theo đó việc pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, các quy định về tham nhũng ở khu vực tư, tính minh bạch trong hoạt động kinh tế, dịch vụ... sẽ đặt các doanh chủ vào một môi trường pháp lý rất nhiều thử thách mà trước đây chưa từng có.
Chủ doanh nghiệp hãy tự mình hoặc cùng với đội ngũ tư vấn pháp lý nhận diện đầy đủ những quy phạm pháp luật hình sự (mới) để phòng, tránh những rủi ro không mong muốn cho doanh nghiệp và cho chính mình. Thậm chí cả những trường hợp chấp nhận rủi ro thì vẫn trong tầm kiểm soát có thể dự liệu trước được.

- Xin cảm ơn ông!

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh: Pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu 33 tội danh

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân đặt ra vấn đề pháp lý là nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì người đại diện của pháp nhân có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Về cơ sở chịu trách nhiệm hình sự, khoản 1 Điều 2 BLHS quy định rõ: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do đó, việc pháp nhân phạm tội không đương nhiên làm phát sinh trách nhiệm hình sự của cá nhân là người đại diện của pháp nhân đó.Trước hết, cần phải hiểu rõ rằng “trách nhiệm hình sự của pháp nhân” là cách nói mang tính tổng quát. Không phải mọi loại pháp nhân đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 76 BLHS, pháp nhân thương mại chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong 33 tội danh được quy định, bao gồm một số tội phạm về kinh tế, tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (tội trốn thuế; buôn lậu, đầu cơ; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...).

Tuy vậy, mối quan hệ giữa người đại diện của pháp nhân với pháp nhân là mối quan hệ mật thiết như “hình với bóng” và gần như không thể tách rời nhau. Pháp nhân không thể tham gia giao dịch và các quan hệ pháp luật mà không có người đại diện hợp pháp của nó. Mọi hành vi của pháp nhân đều thông qua hành vi của người đại diện và mọi hành vi của người đại diện cho pháp nhân nhân danh pháp nhân sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của pháp nhân.

Đối với các doanh nghiệp, theo khoản 1 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm “thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”. Khoản 2 Điều này cũng quy định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này”. Khoản 2 Điều 75 BLHS cũng quy định rõ: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Qua đó có thể thấy rằng việc pháp nhân thương mại phạm tội không loại trừ trách nhiệm của cá nhân. Nếu cá nhân là người đại diện của pháp nhân cùng thực hiện hành vi phạm tội với pháp nhân, là đồng phạm đối với hành vi phạm tội của pháp nhân thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư Hà Nội: Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp 

 

Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS 2015 là cần thiết trong nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay. Hiện nay có không ít các tổ chức kinh tế - pháp nhân thương mại, vì chạy theo lợi nhuận cục bộ đã có sự thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu hoặc vì lợi ích cục bộ đã không thực hiện các biện pháp mà pháp luật đòi hỏi để bảo vệ môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân để phạm tội ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao. Các hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện trong thời gian qua diễn ra ngày càng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh để phòng ngừa và đấu tranh. Ví dụ điển hình có thể nhắc đến là vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh-FHS có hành vi hủy hoại môi trường biển Việt Nam bằng việc xả chất thải có chứa độc tố là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy làm dư luận trong nước rất bất bình và thế giới cũng rất quan tâm...

Bên cạnh những quy định có tính răn đe, để đảm bảo quyền lợi cho pháp nhân thương mại BLHS 2015 đã quy định nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm là “Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra” (Điểm d, Khoản 2, Điều 3 BLHS 2015 sđ 2017).

Tuy nhiên, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là chế định hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ nên chắc chắn trong quy định của pháp luật, cũng như việc thực thi trên thực tế sẽ không thể tranh khỏi những thiếu sót, hạn chế và  vướng mắc nhất định. Ví dụ như trong trường hợp pháp nhân bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì quyền lợi của người lao động, của chủ nợ, các đối tác đang có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với pháp nhân này sẽ được giải quyết như thế nào? Những vấn đề này BLHS 2015 chưa hề dự trù đến. Điều này sẽ tạo ra khó khăn không nhỏ khi thực hiện pháp luật trên thực tế. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa để có những văn bản hướng dẫn thi hành BLHS mới, có những bước tiến hành thận trọng, phù hợp, tránh những hậu quả tiêu cực có thể phát sinh.

Kỳ 2: Doanh nghiệp và doanh nhân cần quan tâm gì?