>>Phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Mục tiêu và kỳ vọng

Với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, giảm dần nhiên liệu hóa thạch để chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phát triển nguồn điện gió - một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng nhất trong mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên triển khai các dự án điện gió ngoài khơi thường có quy mô lớn, chi phí đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi cao hơn nhiều so với điện gió trên bờ và gần bờ, vì thế cần có lộ trình cụ thể, ngoài việc hoàn thiện các quy hoạch quốc gia như Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực, thì cần có nguồn tài chính quốc tế lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Du khách tham quan trang trại Điện gió Hòa Bình 1 (Bạc Liêu) bằng xe điện

Du khách tham quan trang trại Điện gió Hòa Bình 1 (Bạc Liêu) bằng xe điện

Chia sẻ tới Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Xuân Huy Chuyên gia năng lượng, Khoa KT Địa Chất và Dầu Khí, Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM cho biết; Việt Nam đã bổ sung 16.000 MW năng lượng mặt trời kể từ năm 2019, mới đây Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã không phát triển điện mặt trời, chỉ tăng công suất điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi đạt 7GW vào năm 2030 (gồm có khoảng 4.000 MW ở Vịnh Bắc Bộ và khoảng 3.000 MW dọc trên thềm lục địa phía Nam).

Nhưng đến thời điểm này, chỉ có 3 dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam được chính thức cấp phép: Một là, trang trại điện gió ngoài khơi Kê Gà (Thăng Long offshore Wind) của Enterprize Energy (Anh) ở Bình Thuận với quy mô 3.400MW, tổng mức đầu tư ước tính gần 12 tỷ USD.

Hai là, trang trại điện gió ngoài khơi Mainstreams - Phú Cường Sóc Trăng với quy mô 1.400MW, tổng mức đầu tư 3,5 tỉ USD.

Ba là, trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn của Liên doanh Asia Petro (Việt Nam), Novasia (Pháp) và CIP (Đan Mạch) ở Bình Thuận với quy mô công suất 3.500MW, vốn đầu tư ước tính lên đến 10 tỉ USD. Trong đó, chỉ có 2 dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà và Phú Cường được cho phép lắp đặt phao nổi FLIDAR để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy…) tại khu vực khảo sát vào giữa năm 2021, cùng các công tác khảo sát địa chất – địa chấn đáy biển cũng đang được tiến hành song song.

Mặc dù kế hoạch triển khai điện gió ngoài khơi sẽ gian nan và phức tạp hơn, nhưng theo PGS Nguyễn Xuân Huy, Việt Nam nên tập trung phát triển điện gió ngoài khơi sẽ hữu dụng hơn vì dự án sẽ không bị vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, sẽ giảm thiểu được độ ồn và tần số rung tác động đến thói quen sinh trưởng của động -thực vật. Ưu điểm của các trang trại điện gió ngoài khơi là tốc độ gió lớn, không gian sẵn có, ít tác động đến môi trường sinh thái và nhất là tránh các xung đột lợi ích với các cộng đồng dân cư ven biển và các chủ thể sử dụng biển hiện tại, chẳng hạn như lĩnh vực quân sự, vận tải biển, đánh cá và du lịch biển đảo. Ngoài ra, các trang trại điện gió ngoài khơi sẽ tạo như là tấm lá chắn an ninh quốc phòng cho phía trong vùng biển Việt Nam.

Dù biết rằng phát triển và sử dụng năng lượng sạch là xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần phải có những bước lộ trình cụ thể để chuyển đổi một cách hợp lý và hài hòa nhằm đảm bảo mục tiêu chuyển dịch năng lượng hiệu quả. 

Sớm hoàn thiện lộ trình

>>Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhận định: “Tuy nhiên, để phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Điển hình, khung pháp lý cho lĩnh vực này vẫn còn vướng, vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng…”.

Thực hiện công suất theo quy hoạch lên tới 7.000MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức

Thực hiện công suất theo quy hoạch lên tới 7.000MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức

Mặc dù là nước có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhưng theo các chuyên gia, để đảm bảo công suất đưa ra cho điện gió ngoài khơi vào năm 2030 Việt Nam còn nhiều bất cập. Ngoài khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện, nhà đầu tư còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý, thiết kế và dịch vụ logistics, chi phí đầu tư hiện tại vẫn ở mức cao, khoảng 2-3 triệu USD/MW.

Đánh giá về những khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An cho biết: Với loại hình nguồn điện gió ngoài khơi, Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển. Do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn, nên việc thực hiện công suất theo quy hoạch lên tới 7.000MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức lớn.

Phân tích những khó khăn trên, các nhà đầu tư cho biết, về mặt tài chính, điện gió ngoài khơi hiện có 2 cản trở chính: Giá tua bin cao và đặc biệt giá xây lắp cao. Giá tua bin hiện chiếm khoảng 36% tổng chi phí. Giá phổ biến của các hãng lớn chào giá khoảng 3,15 triệu USD/tua bin công suất 4,2 MW, tương đương khoảng 0,75 triệu USD/MW (chưa gồm VAT).

Chi phí bảo trì O&M hàng năm là điểm rất cần lưu ý. Các hãng lớn sẽ bảo hành 20 năm, giá cố định, bao gồm cẩu (crane). Tuy nhiên, vấn đề tàu/xà lan (barge) lại không được đề cập. Tranh cãi có thể xảy ra sau này nếu hợp đồng không có tàu/xà lan, sẽ không thể bảo trì.

Trong đó, giá xây lắp hiện chiếm khoảng 53% tổng chi phí. Chi phí này đặt ra bài toán lớn nhất cho dự án điện gió là phải giảm hết mức mới mong hiệu quả trong bối cảnh giảm chi phí tua bin hầu như rất khó, do hiếm nhà cung cấp.

Các chi phí khác cũng tạo áp lực cho chủ đầu tư. Chi phí phát triển dự án ước tính khoảng 3% tổng chi phí. Chi phí khảo sát, dự phòng khoảng 4% - 5%. Chi phí trạm biến áp và đấu nối thì tùy quy mô dự án, khoảng 1% - 3%. Chi phí vay ngân hàng trong nước với chi phí vốn khoảng từ 12% - 13% theo từng năm, thực sự gây khó cho điện gió ngoài khơi. Chi phí này chưa thể hiện được ưu đãi đối với các dự án năng lượng sạch. Trong các phương án tính toán mà có tái tài trợ từ ngân hàng nước ngoài, dự án sẽ khả thi hơn nhưng thực tế cũng không dễ thực hiện. Trong trường hợp không tìm được nguồn vốn rẻ hơn để tái tài trợ được thì IRR khoảng 11% và thời hạn hoàn vốn là 18 - 20 năm, dự án không hấp dẫn.

Chính vì những khó khăn trên các nhà đầu tư kiến nghị: Thứ nhất là nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, quy hoạch điện lực và Quy hoạch không gian biển;

Thứ hai: Để hỗ trợ giảm chi phí đầu tư, Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ về thuế nhập khẩu, hoặc đóng mới trang thiết bị hoặc ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ dự án điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung. Hiện trang thiết bị chuyên dụng (tàu, cẩu) có khả năng thi công điện gió trên biển tại Việt Nam hết sức hạn chế. Phương tiện thuê của nước ngoài cũng không dễ được cấp phép, do đó càng đẩy chi phí lên cao.

Thứ ba : Rất nhiều doanh nghiệp đang phản ánh việc gặp khó khăn về khả năng hoàn thuế VAT theo quy định ưu đãi các dự án năng lượng tái tạo, khi Tổng cục Thuế không chấp nhận hoàn thuế trong thời gian dự án thi công, với lý do là "dự án không nằm trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì chưa được hoàn thuế". Trong khi đó, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Luật thuế Giá trị gia tăng quy định dự án đầu tư ngành điện "là dự án đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được hoàn thuế giá trị gia tăng khi được cấp giấy phép hoạt động điện lực". Tuy nhiên, theo Thông tư 21 của Bộ Công Thương thì giấy phép này chỉ được cấp khi dự án đầu tư đã hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu.

Văn bản Nhà nước mâu thuẫn như vậy, doanh nghiệp ở giữa là người chịu thiệt. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức giúp đỡ gỡ khó cho doanh nghiệp để có thể triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch.

Thứ tư: Chính sách lãi suất cho vay ưu đãi cho các dự án điện gió ngoài khơi cần được thể hiện rõ ràng trong các văn bản của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Bởi hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các ngân hàng thương mại có ưu đãi lãi suất đáng kể để thúc đẩy các dự án điện gió ngoài khơi.