>> PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Không nên cứng nhắc mục đích sử dụng vốn

Ông Cấn Văn Lực khẳng định: Chúng ta cần khẳng định về vai trò rất quan trọng của thị trường này, để từ đó sớm hoàn thiện hành lang pháp lý chuẩn hơn cho thị trường phát triển, ví dụ như sửa đổi Nghị định153/2020/NĐ-CP, Nghị định 156/2020/NĐ-CP,... Hành lang chính sách đủ rộng sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường và tăng niềm tin của các nhà đầu tư.

Chúng ta nên có cách tiếp cận thị trường một cách phù hợp, một mặt tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có nhu cầu vốn thực sự, có cơ hội huy động đủ nguồn lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, những doanh nghiệp sai trái, vi phạm thì sẽ phải xử lý nghiêm minh. Hoàn thiện hai mặt của một vấn đề sẽ giúp chúng ta vừa kiểm soát được rủi ro, vừa kiến tạo thị trường.

Cuối cùng, thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng nên có sự phân tầng của các loại doanh nghiệp, các loại chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu... với mức độ rủi ro khác nhau. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ tự xem xét rồi đưa ra quyết định của mình. Để “tư vấn” cho nhà đầu tư, cũng rất cần có sự tham gia của các tổ chức tín nhiệm.

Tuy nhiên, Nhà nước phải sớm ban hành các quy định rõ ràng về xếp hạng tín nhiệm để các doanh nghiệp áp dụng.

 Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững” do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức

Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững” do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức

- Được biết, đang có chính sách sửa đổi về quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ, ông có khuyến nghị gì cho các nhà đầu tư?

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sẽ phải sửa đổi tương đối nhiều, nhưng chắc chắn sẽ tập trung vào các điểm chính như:

Thứ nhất, đòi hỏi các doanh nghiệp thực chất hơn, yêu cầu rõ ràng, minh bạch về thông tin, tình hình tài chính doanh nghiệp và các hoạt động trên thị trường.

Thứ hai, là gắn doanh nghiệp vào các cam kết, ví dụ như doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn thế nào, có khớp với mục đích mà mình đã công bố hay không?

Thứ ba, cần làm rõ hơn về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như chức năng của các trung gian tài chính cùng tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, các công ty tư vấn phát hành, quản lý chính, quản lý tài sản đảm bảo... đều phải được gắn trách nhiệm, để về lâu dài sẽ tạo ra môi trường đi vào nề nếp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận mọi nguồn lực thuận lợi hơn.

Đặc biệt, cần thiết phải có giáo dục tài chính để người dân và doanh nghiệp có thêm kiến thức, kinh nghiệm khi tham gia thị trường.

- Ngoài ra, còn có giải pháp nào bổ trợ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như có phương thức đầu tư phù hợp, an toàn, thưa ông?

Bên cạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thì phải tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu Chính phủ được dùng làm mốc chuẩn để định giá lãi suất và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nên về lâu dài, đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng.

Thông tin hỗ trợ thị trường cũng không kém phần quan trọng. Thực tế, có một số tổ chức tín dụng bắt đầu có thông báo ngưng không giải ngân, nhưng lý do chính là các ngân hàng này đã hết hạn mức tín dụng, vì họ tăng trưởng rất nhanh trong quý 1 (khoảng 9%), thì đương nhiên họ sẽ phải “phanh” lại và những gì cần kiểm soát rủi ro sẽ được kiểm soát đầu tiên.

Bên cạnh đó, thực chất, việc vay vốn và phát hành trái phiếu, doanh nghiệp có thể dùng tiền đó để đầu tư vào chỗ khác như M&A... Huy động vốn nên có cả thương mại, sản xuất, cả đầu tư tài chính.

Đối với nhà đầu tư, tôi khuyến nghị phải cố gắng nâng cao hiểu biết, kiến thức về thị trường tài chính.
Ngoài thu hút đầu cá nhân các doanh nghiệp có thể tìm kiếm giải pháp vốn từ các quỹ đầu tư, các tổ chức vốn khác ngoài ngân hàng. Trong tầm nhìn dài hạn, muốn hút vốn trong dân, hút vốn từ đầu tư nước ngoài... thì phải có nhiều quỹ đầu tư gia nhập thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch thường trực VCCI:

Thị trường vốn luôn có vai trò chủ đạo, lớn gấp 3 lần thị trường vốn chủ sở hữu. Trong đó, thị trường TPDN có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung- dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng.

Để phát triển thị trường TPDN lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của TPDN, đi cùng là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội:

Trong biện pháp can thiệp thị trường TPDN, việc giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm. Nhưng nếu đặt thêm các chính sách, biện pháp can thiện thì cũng phải tính đến việc "đôi khi thị trường bị vỡ do sự can thiệp", cho nên cần hết sức cân nhắc.

Đề nghị Chính phủ cho xem xét, rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách. Về dài hạn, cần nâng cao chất lượng của doanh nghiệp mà không có gì khác ngoài việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng:

Sau kênh tín dụng, thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp có vẻ trầm lắng sau tác động từ các cơ quan chính sách.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị giao động. Cũng như tại thị trường Mỹ trong cuộc đại suy thoái 2008 người thiệt hại nhất là người dân với tiền tích luỹ được đầu tư vào những trái phiếu với lợi tức cao nhưng đầy rủi ro.

Nhìn bài học từ thị trường Mỹ đã từng trải qua, Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Hiện các cơ quan quản lý đang sửa đổi quy định liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, Dự thảo 5 Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/CP-NĐ về vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang có nhiều sửa đổi. Tuy nhiên, nhiều quy định đang tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ. Hơn nữa, trong việc quản lý dòng vốn, mục đích vay, tại Dự thảo 5 quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khác và cho doanh nghiệp khác vay vốn. Những quy định này sẽ hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp; cản trở hoạt động M&A và không phù hợp với nguyên tắc quản trị.

9 nhóm giải pháp, kiến nghị

Thứ nhất, cần sớm xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trên thị trường vừa qua bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ từ khối CTCK lẫn thanh tra các doanh nghiệp và công ty kiểm toán.

Thứ hai, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm. Trọng tâm của hành lang pháp lý hiện tại đối với thị trường TPDN là Dự thảo sửa đổi, Bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP, đã được Bộ Tài chính sửa đổi phiên bản 5 nhưng vẫn chưa hoàn thiện… Phải sớm đưa hoạt động phát hành TPDN trở lại, qua việc sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định 153 sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng, số lượng nhà đầu tư tổ chức, cá nhân. Cần có cơ chế khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…

Thứ tư, tăng cường quản lý thị trường thứ cấp; đẩy nhanh xây dựng thị trường thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung, rút ngắn thời gian ra mắt thị trường này.

Thứ năm, phát triển thị trường dịch vụ đánh giá tín nhiệm giúp trái chủ đánh giá được rủi ro khi quyết định đầu tư. Đặc biệt, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.

Thứ sáu, có giải pháp tăng chất lượng TPDN được phát hành, xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành, tiêu chuẩn phát hành; hoạt động phát hành ra công chúng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Thứ bảy, hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là hành chính.

Thứ tám, về phía doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt, nâng cao chất lượng doanh nghiệp để tăng niềm tin cho nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành.

Thứ chín, cần tăng cường vai trò và phát huy hiệu quả của công tác truyền thông trong tuyên truyền chính sách, quy định, phổ biến pháp lý, cập nhật khách quan trung thực thị trường… Ngoài ra, tăng cường truyền thông, quảng bá về uy tín, tín nhiệm thực của kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thu hút nhà đầu tư quốc tế đến với thị trường vốn Việt Nam.