Đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên khắp thế giới với tốc độ đáng báo động. Sự bùng phát của loại virus này đã tạo ra những hậu quả tàn khốc cho sức khỏe, kinh tế của người dân trên toàn cầu, cũng như làm tê liệt các hệ thống y tế vốn tự hào là tiên tiến nhất.

Nguy cơ COVID-19 bùng phát tại các khu ổ chuột châu Á

Tại châu Á - Thái Bình Dương, tác động của COVID-19 là rất lớn do mật độ dân số tập trung cao, các hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như các yếu tố từ bên ngoài. Bên cạnh những toà nhà chọc trời thì cũng tồn tại song song rất nhiều khu ổ chuột mà mức sống của những người dân tại đó luôn thấp dưới mức trung bình.

Khi COVID-19 bùng nổ, bên cạnh những cú sốc kinh tế mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy được, thì cuộc sống của những lao động phi chính thức trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Cuộc khủng hoảng lần này đã cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mối liên kết chặt chẽ như thế nào vào kết cấu kinh tế và xã hội của thế giới.

Mức độ nghiêm trọng của đại dịch này đã khiến Tổng thư ký Liên Hợp quốc - ông Antonio Guterres kêu gọi thế giới "hãy giúp đỡ những người nghèo ở các quốc gia đang phát triển. Họ là những người dễ bị tổn thương nhất. Con số này có thể lên tới hàng triệu người, và đó là những người ít có khả năng tự bảo vệ mình nhất".

COVID-19 không phân biệt người giàu - nghèo, không phân biệt vùng quốc gia lãnh thổ, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo, nó đã và đang tàn phá nền kinh tế của cả những siêu cường lẫn những quốc gia chưa phát triển. Nhưng khi virus lan rộng tới các quốc gia nghèo, thì đó lại là điểm rất đáng lưu tâm!

Lệnh ở nhà có nghĩa lý gì khi bạn vô gia cư?

Lệnh ở nhà có nghĩa lý gì khi bạn vô gia cư?

Rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp dụng biện pháp cách ly xã hội, hoặc mạnh tay hơn là phong toả thành phố với lời kêu gọi toàn dân ở nhà. Ước tính 1/3 dân số toàn cầu đã phải ở nhà trong thời gian qua.

Lời kêu gọi trên phạm vi toàn cầu này là một phương pháp quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, giả định rằng mọi người dân đều có một ngôi nhà, và trong ngôi nhà đó có đầy đủ các nhu cầu cơ bản. Thế nhưng, rất tiếc rằng điều này không đúng cho hầu hết những người nghèo nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những nghiên cứu của Liên Hợp Quốc được công bố vào cuối năm ngoái cho thấy, gần nửa tỷ người ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn trong tình trạng đói và bị suy dinh dưỡng. Tầng lớp những người nghèo này thu nhập dưới 3$/ngày, thậm chí là dưới 1.5$/ngày đối với tầng lớp nghèo cùng cực.

Những người này - họ thường làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự sa sút của các nền kinh tế do COVID-19 đã dẫn đến sụt giảm doanh thu đột ngột, thậm chí là phá sản của hàng loạt các công ty. Điều này đã dẫn đến vô số sinh kế của những người làm công ăn lương không chính thức bị mất đi.

Người lao động nghèo sống trong các khu ổ chuột ở Ấn Độ buộc phải đi làm mới có tiền để sống.

Người lao động nghèo sống trong các khu ổ chuột ở Ấn Độ buộc phải đi làm mới có tiền để sống.

Đánh giá về nhóm người yếu thế trong tình cảnh đại dịch, Ủy viên Châu Âu về việc làm và quyền xã hội Nicolas Schmit nói: “Sống trên đường phố dẫn đến tác động lớn về tâm lý lẫn sức khoẻ thể chất. Người vô gia cư rõ ràng chịu nhiều rủi ro. Họ thường mắc bệnh từ trước, vì vậy cần được xem là nhóm có nguy cơ cao”.

Ấn Độ là quốc gia có nhiều người nghèo sông lay lắt trong các khu ổ chuột nhất trong khu vực. Đến thời điểm hiện tại, đã có những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại khu ổ chuột tại Mumbai. Tâm lý sợ hãi lan rộng, hàng nghìn lao động nhập cư trốn chạy khỏi các khu ổ chuột để về quê bằng xe buýt hoặc phương tiện cá nhân, dẫn tới nguy cơ mang virus về nông thôn.

Khảo sát mới đây của CFS cho thấy tại khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai, trung bình có tới 1.440 cư dân sử dụng chung một nhà vệ sinh. Có tới 78% nhà vệ sinh công cộng tại các khu ổ chuột Mumbai thiếu nước sạch. Người dân tại đây thậm chí còn không đủ nước để sinh hoạt, chưa nói đến nước và xà phòng để rửa tay!

Là một quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á, Philippines với những khu nhà tạm ở quận Tondo nằm tại phía Bắc thủ đô Manila đã làm dấy lên những lo ngại về dịch bệnh COVID-19 sẽ bùng phát tại đây.

Khu ổ chuột này với hàng nghìn căn nhà ghép từ những tấm lợp ọp ẹp, 4 - 5 người chung sống trong diện tích chật chội, không có nước sạch, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn....việc tự cách ly, hạn chế tiếp xúc… đối với người dân ở đây chỉ đơn giản là điều bất khả thi. 

Hồng Kông vốn được mệnh danh là trung tâm tài chính của châu Á, nhưng ít ai biết rằng phía bên kia của những toà nhà hoa lệ đó cũng có rất nhiều những mảnh đời lay lắt trong đói nghèo. Rất nhiều người Hồng Kông phải sống trong các căn hộ chia nhỏ, thường được gọi là "nhà quan tài".

Phía bên kia của Hồng Kông hoa lệ là những người nghèo sống lay lắt trong các

 Đại dịch COVID-19 phản ánh tình trạng nhà ở đáng báo động tại Hồng Kông

Những căn hộ diện tích chỉ vài mét vuông này thường có hệ thống thông gió và thoát nước tồi tàn, cư dân dễ nhiễm bệnh vì dùng chung bếp và toilet. Ông Choyu Cheung - thành viên tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội vì Tổ chức cộng đồng tại Hồng Kông cho biết: "Đại dịch này phản ánh tình trạng nhà ở đáng báo động tại Hồng Kông".

Khi chính quyền Hồng Kông tuyên bố những biện pháp nhằm ngăn chặn COVID-19, một số khu nhà ở công cộng đã được chuyển thành trại cách ly, khiến nguồn cung nhà ở vốn đã ít ỏi nay lại càng hạn hẹp.

Chính điều này đã gây khó khăn cho những người nghèo áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân trước loại virus mới này. Đó là lý do tại sao các phản ứng đầu tiên của Liên Hợp Quốc là việc khuyến cáo các quốc gia nên ưu tiên cho những người nghèo - việc này cũng quan trọng không kém gì các phương pháp phòng và chống COVID-19 khác.

 Đoàn kết toàn cầu là cách duy nhất để ngăn chặn COVID-19

Đại dịch COVID-19 là cơ hội cho các chính phủ trong khu vực tăng cường các hệ thống bảo vệ y tế và xã hội. Hơn 60% dân số châu Á-Thái Bình Dương sống trong điều kiện thiếu khả năng tiếp cận bảo trợ xã hội. Nhiều người sống và làm việc trong điều kiện không an toàn, điều này khiến họ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nói chung, và COVID-19 nói riêng cao hơn những thành phần khác.

Ông Mark Lowcock - Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc nhận định, COVID-19 đã tấn công và làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở một số quốc gia giàu có nhất trên thế giới. “Bỏ mặc số phận của những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất là hết sức tàn nhẫn và không khôn ngoan. Nếu chúng ta để virus corona hoành hành tại những quốc gia này, chúng ta sẽ đặt hàng triệu người vào nguy cơ, toàn bộ khu vực sẽ bị đảo lộn và virus sẽ có cơ hội tái sinh trên toàn cầu".

Bên cạnh đó, ở những xã hội có tốc độ già hóa dân số nhanh tại châu Á và Thái Bình Dương, người già có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, không chỉ vì tình trạng sức khỏe tiềm ẩn mà còn bởi vì họ có thể không có người chăm sóc để được hỗ trợ.

Bảo trợ xã hội đóng vai trò là nền tảng ổn định trong những thời điểm khó khăn như hiện tại. Điều này cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc xây dựng lực lượng lao động khỏe mạnh hơn. Nếu không có biện pháp bảo vệ, đại dịch lần này sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội.

Nỗ lực toàn cầu là

Nỗ lực toàn cầu là cách duy nhất để ngăn chặn COVID-19

Ông Lowcock thừa nhận rằng các quốc gia chiến đấu với đại dịch “tại nhà” là ưu tiên đúng đắn cho cộng đồng của chính họ, nếu các quốc gia này không hành động ngay bây giờ để giúp các nước nghèo nhất tự bảo vệ mình, họ sẽ thất bại trong việc bảo vệ chính người dân của họ. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giúp các quốc gia này chuẩn bị và tiếp tục giúp đỡ hàng triệu người dựa vào sự hỗ trợ nhân đạo từ Liên Hợp Quốc để sống sót”, ông Lowcock nói thêm.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta trước mắt phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu.

Theo đó, chiều ngày 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp, 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó là đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu; nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm…

Trong khi các Chính phủ kêu gọi người dân ở trong nhà để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, thì có lẽ đây cũng là một cơ hội để thế giới sống chậm lại, cùng nhìn lại phía sau và chung tay giúp đỡ những người nghèo, người vô gia cư. Hãy nắm bắt cơ hội này để xây dựng một ngôi nhà tốt hơn cho mọi người ở châu Á và Thái Bình Dương!