Các thiết bị máy móc, tài sản bên trong bị hoen gỉ, hư hỏng.

Các thiết bị máy móc, tài sản bên trong bị hoen gỉ, hư hỏng.

Bán rẻ…như cho

Sau khi dự án nhà máy thép Vạn Lợi “chết yểu”, theo cam kết dân sự TAND thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đứng ra phân xử nợ giữa chủ đầu tư dự án với 3 ngân hàng. Theo đó, Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh phải trả khoản nợ gốc, nợ lãi quá hạn và nợ lãi phạt quá hạn cho 3 ngân hàng tổng số tiền gần 1.507 tỷ đồng.

Ba ngân hàng lớn có chi nhánh tại Hà Tĩnh là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã hùn vốn đầu tư giờ chỉ còn cách chia nhau… đống sắt vụn.

Theo quyết định mới nhất về việc thi hành án của Chi cục thi hành án thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), số tiền mà Cty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh phải trả cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank) là hơn 150 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 74 tỷ, nợ lãi quá hạn 71 tỷ đồng, phạt lãi quá hạn hơn 5 tỷ đồng), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV) 115 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc hơn 49 tỷ, lãi quá hạn hơn 27 tỷ, lãi phạt quá hạn hơn 38 tỷ đồng) và Ngân hàng Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB) gần 1.300 tỷ đồng (trong đó nợ gốc gần 590 tỷ, nợ lãi quá hạn gần 500 tỷ, phạt lãi quá hạn gần 180 tỷ). Các khoản nợ trên đều được đảm bảo bằng tài sản thế chấp hình thành trong tương lai giữa Cty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh với VDB, BIDV và Vietcombank.

Sau khi thẩm định giá, tổng số tài sản của dự án Nhà máy thép Vạn Lợi của Cty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh được xác định để đưa ra đấu giá 108 tỷ đồng gồm tài sản xác định được qua cân điện tử, thiết bị các bãi ngoài trời của nhà máy, tủ và các thiết bị điện tại kho của nhà máy và kho thuê khu B, máy móc thiết bị tại nhà kho, nhà và vật kiến trúc cùng chi phí tháo dỡ công trình, thu hồi phần thiết bị đã lắp đặt.

Hồ sơ đấu giá tài sản Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi được bán từ ngày 2/4. Dự kiến đến ngày 26/4, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tổ chức đấu giá tài sản nhà máy thép này. Tuy nhiên, tính đến ngày 5/4 chưa có hồ sơ nào tham gia nộp.

Vốn ít, đầu tư lớn

Dự án nhà máy thép Vạn Lợi được khởi công vào năm 2008, với công suất 500.000 tấn thép/năm. Ngoài chủ đầu tư là Công Ty Cổ Phần Gang Thép Hà Tĩnh, dự án còn có hai cổ đông chính là Tập Đoàn Thép Vạn Lợi (chiếm 58,4%) và Công ty Cổ Phần Đầu Tư Khoáng Sản Hợp Thành (34%) làm chủ đầu tư.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (hơn $73,3 triệu), sau đó được điều chỉnh lên gần 2.000 tỷ đồng (hơn $86,2 triệu).

Giai đoạn 2007-2010, khi dự án đang thi công dở dang một số hạng mục thì đình trệ; cơ sở hạ tầng, máy móc bị "bỏ quên" với lý do thiếu vốn từ chủ đầu tư. Doanh nghiệp sau đó làm việc với ba ngân hàng có chi nhánh tại địa phương, vay tiền để "cứu vãn". Từ khi được các ngân hàng rót vốn, dự án vẫn không có thêm tiến triển đáng kể. 

Những tưởng Dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương nhưng từ năm 2010 Công ty đã dừng việc thi công dự án và bỏ hoang từ đó đến nay.

Tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư tiếp tục dự án nhưng bất thành, cực chẳng đã đến năm 2015 UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định thu hồi dự án.

Trong gần 10 năm nay, các tài sản của dự án nằm chơ vơ giữa nắng mưa, không được bảo trì định kì, hiện nhiều tài sản ngoài trời đã hoen gỉ, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng.

Câu chuyện thất bại của Thép Vạn Lợi có thể có nhiều nguyên nhân nhưng dễ nhìn thấy nhất là sự đầu tư dàn trải; chủ đầu tư vốn ít, song lại đầu tư quá lớn, vượt quá năng lực và lệ thuộc nhiều vào vốn vay.

Đây không phải trường hợp cá biệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế đang phải trả giá cho việc chạy theo mô hình tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào mở rộng vốn đầu tư trong khi hiệu quả đầu tư thấp.