Câu chuyện tài nguyên rừng “chảy máu” không chỉ là hiện trạng mới xảy ra hôm nay mà là hiện trạng liên tục xảy ra trong nhiều năm trở lại đây. Đáng nói, sau những cuộc tàn phá, lâm tặc rút đi thì chính quyền, cũng như lực lượng chức năng sở tại mới thông báo phát hiện, rất ít trường hợp tại hiện trường lâm tặc đang hoành hành, tận diệt, chính quyền hay lực lượng chức năng có mặt đúng lúc để ngăn chặn và bắt giữ những kẻ vi phạm…

svsdvdfbd

Không ít cánh rừng toang hoang trước sự tàn phá của lâm tặc

Không chỉ có vậy, nhắc tới “chảy máu” tài nguyên rừng còn phải nhắc tới một thực trạng chúng ta luôn cần nhìn thẳng, những người có trách nhiệm liên quan, được Nhà nước giao phó trọng trách lại vẫn nhởn nhơ sau buông lỏng quản lý, chỉ cần nhận hình thức… “kỷ luật” thế là xong(?).

Nghe cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật vì liên quan đến chuyện tàn phá rừng, có lẽ ai cũng thấy thỏa mãn, hợp lý vì việc phá rừng luôn gây nhức nhối và bức xúc đối với dư luận. Tuy nhiên, trong sự việc này có một vấn đề ít ai để ý, rừng là tài nguyên Quốc gia chịu trách nhiệm chính là Ban Quản lý rừng; kiểm lâm; chính quyền sở tại;… Vậy nên, chỉ với hình thức kỷ luật không, liệu có thỏa đáng?

Liên quan đến chuyện lâm tặc tàn phá rừng trong thời gian vừa qua, dư luận đặc biệt lên án, đó là hiện trạng đối với khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa, tỉnh Phú Yên; lực lượng chức năng địa phương cho hay: nếu không phát hiện kịp thời thì quy mô tàn phá của lâm tặc khả năng sẽ còn lớn hơn(?). Và khép lại trước thực trạng nhiều diện tích rừng bị tàn phá, chỉ dừng ở chuyện các cơ quan chức năng đang “tích cực” điều tra các đối tượng mở đường vào phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật...

Hay, trước hiện trạng lâm tặc tàn phá rừng khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk sẽ có buổi họp nội bộ bàn phương án giải quyết dứt điểm nạn lâm tặc hoành hành(?). Trong khi, đây là điểm nóng của vấn nạn lâm tặc luôn được dư luận quan tâm, hết lần này đến lần khác mà dứt điểm chẳng thấy đâu.

fdsagsdfbg

Nếu không quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra nạn lâm tặc hoành hành thì đến bao giờ "lá phổi xanh" của Quốc gia mới thôi bị tàn phá?

Nhắc tới câu chuyện “chảy máu” tài nguyên rừng, ta không thể không đặt dấu hỏi về việc, lâm tặc vào đường nào và tẩu tán gỗ đã khai thác, tận thu ra sao? Trong một hiện trạng đã được cơ quan báo chí đề cập đến, đó là vấn nạn lâm tặc tại Lâm trường Trường Sơn, thuộc Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Để vào được khu vực rừng bị phá, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất và ngay đầu lối vào con đường này có chốt bảo vệ rừng. Không những thế, trên đường về xuôi, cũng duy nhất môt con đường độc đạo với nhiều trạm bảo vệ rừng, trạm kiểm tra lâm sản của các cơ quan chức năng như lâm trường, Kiểm lâm, Biên phòng… Tuy nhiên, sau khi rừng bị tàn phá, quá trình phát hiện kiểm tra, chỉ còn lại ngọn, cành và bìa vỏ,…

Vậy, kẽ hở ở đây là gì? Tại sao với nhiều lực lượng chức năng, cơ quan quản lý, bảo vệ rừng mà vấn nạn lâm tặc vẫn luôn trở thành chủ đề nhức nhối? Có lẽ, chỉ có những người trong cuộc, trực tiếp ngày đêm bên rừng, quản lý và bảo vệ tài nguyên xanh của Quốc gia mới có được một câu trả lời “thấu tình đạt lý”… Xin đừng để điệp khúc: Buông lỏng để xảy ra tình trạng phá rừng… cán bộ bị kỷ luật!

Trong khi đó, trước vấn nạn tài nguyên rừng bị “chảy máu”, không ít lần trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt… thậm chí, có những thời điểm Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng. Nhưng, tại nhiều địa phương, công tác bảo vệ rừng vẫn đang bị coi nhẹ nên dẫn đến tình trạng liên tục “chảy máu” như hiện nay.

Có chăng, nếu trách nhiệm của những người đứng đầu của địa phương để xảy ra tình trạng tài nguyên rừng bị “chảy máu” chưa được xem xét tới, thì có lẽ “kẽ hở” còn tồn tại. Hành lang pháp lý nào có thể áp dụng vào những thực trạng trên, chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại trong nội dung bài cuối.