Một lần nữa, vấn đề này lại gây sốt khi Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 45 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam (TRAC Việt Nam 2018) vừa được Tổ chức Hướng tới minh bạch công bố cho thấy, thực trạng công bố thông tin của các “ông lớn” chưa được như kỳ vọng.

Theo Báo cáo TRAC Việt Nam 2018, việc công khai thông tin về các chương trình phòng chống tham nhũng còn rất thấp, thể hiện ở thực tế là hơn 50% trong tổng số 45 doanh nghiệp lớn thuộc phạm vi khảo sát không công khai bất kỳ thông tin nào về khía cạnh này.

Biện pháp tốt nhất là bản thân bên trong nội bộ nhóm điều hành doanh nghiệp phải hiểu đầy đủ được tầm quan trọng của việc minh bạch hóa trong doanh nghiệp. Đặc biệt, là việc áp dụng một hệ thống báo cáo sai phạm vào trong doanh nghiệp, áp dụng hệ thống này sẽ giúp cho doanh nghiệp trưởng thành hơn.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tăng tính minh bạch tốt nhất thì doanh nghiệp phải kiểm soát được nội bộ. Kiểm soát nội bộ thật tốt, xử lý nhanh các vi phạm trong phạm vi nội bộ, tránh giấu diếm, lờ đi, dẫn đến việc khi bị phát giác, vấn đề vi phạm đã vượt tầm kiểm soát trong nội bộ công ty dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra, và đưa người ngoài vào kiểm soát doanh nghiệp.

Mấu chốt nằm ở việc minh bạch hóa thông tin càng nhiều trên các phương tiện thông tin như website thì càng tốt. Khi đó nhiều người quan sát được thì vô hình chung trở thành cam kết của doanh nghiệp đối với nhân viên, với nhà đầu tư, với xã hội. Những người quan sát bên ngoài như báo chí, giới quan sát có thể nhìn vào những thông tin được đăng tải, từ đó xem xét thông tin doanh nghiệp cung cấp có đúng sự thật hay không?

Trong quy định của Luật Phòng chống tham nhũng sắp thông qua, các yêu cầu đối với những người đứng đầu là cấu phần quan trọng nhất chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp, xã hội, nhà nước và chính bản thân họ. Thực ra đây là một trong những giải pháp thúc đẩy đưa thông tin ra bên ngoài, và đặc biệt đối tượng ở đây là doanh nghiệp.

Việc minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp SME hoặc hộ gia đình sẽ gặp khó khăn hơn nhưng không phải là không làm được. Với quy mô nhỏ, họ có thể sử dụng các App, Facebook, hay các kênh truyền thông trực tuyến, các kênh khác như kênh rao vặt, mua và bán. Điều mà các doanh nghiệp cần làm hiện nay là chia sẻ nhiều thông tin hơn, đưa ra các cam kết nhiều hơn. Nếu nhìn vào các mô hình như Facebook, Google sẽ thấy mảng về đạo đức kinh doanh họ tuyên bố luôn những điều cấm, khi gặp các vấn đề vi phạm phải báo cáo ai và được thông tin rất đầy đủ.