Một tiểu thương kinh doanh vải tại chợ Tân Định, Q.1 chia sẻ, đã ký đơn cùng các tiểu thương trong chợ để gửi đến cơ quan thuế. Theo đó các tiểu thương mong muốn giảm thuế trong vòng 6 tháng, kể từ tháng 2. 

tiểu thương các chợ lớn ở Hà Nội, TP. HCM xin giảm thuế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đó là nguyện vọng chính đáng. (Ảnh minh họa)

Tiểu thương xin giảm thuế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nguyện vọng chính đáng. (Ảnh minh họa)

Kinh doanh ế ẩm

Lãnh đạo Chi cục thuế Q.1 (TP.HCM) cho biết đã nhận được đơn kiến nghị giảm thuế của tiểu thương ba chợ lớn trên địa bàn là chợ Bến Thành, chợ Tân Định và chợ Nguyễn Thái Bình. Lý do là tình hình kinh doanh hiện nay quá ế ẩm.Chi cục thuế Q.1 đã báo cáo Cục thuế TP.HCM. 

Tuy nhiên, hiện nay theo quy định cơ quan thuế phải qua số liệu xác minh, kiểm tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì mới xác định lại doanh thu cho cá nhân kinh doanh. Nhưng hiện nay mới qua hơn 2 tháng và với số lượng 9.000 hộ kinh doanh trên địa bàn Q.1, nếu khảo sát từng hộ thì cơ quan thuế không thể làm xuể. 

Do đó, Chi cục thuế Q.1 đang kiến nghị Cục Thuế TP cho phép khảo sát theo nhóm để xác định thiệt hại từ dịch bệnh từ đó có kiến nghị điều chỉnh thuế khoán. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng phát cho họ tờ khai để họ kê khai lại doanh thu. Với yêu cầu phải có xác nhận của địa phương… như hướng dẫn trong hai công văn gần nhất của Tổng Cục Thuế, cơ quan thuế địa phương cũng đang kiến nghị tháo gỡ nhằm rút ngắn thời gian xử lý đối với hồ sơ giảm thuế của cá nhân kinh doanh.

Trước đó vào cuối tháng 2, hàng ngàn hộ kinh doanh tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) đã ký đơn xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch COVID-19.  Theo đó tiểu thương mong muốn được các cấp lãnh đạo Q.5 xem xét giảm 50% thuế hằng tháng trong thời gian 3 - 6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2/2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ.

Tại Hà Nội, hàng trăm tiểu thương tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã phải gửi đơn yêu cầu miễn giảm, hỗ trợ nộp tiền thuê ki ốt do những khó khăn gặp phải khi dịch COVID-19 ập đến. Theo chia sẻ của một tiểu thương tại chợ Đồng Xuân, các gian hàng chuyên bán vải, giày dép, vali, đồ điện tử… đều rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm.

Thậm chí, vài ki-ốt chuyên bán quần áo người lớn đã tạm thời đóng cửa vì người mua ít hơn người bán. Trong đó, ngành may mặc là mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch. “Từ thiếu hàng nhập khẩu, đến việc khách đến chợ rất ít khiến các gian hàng bán vải rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều người đã phải đóng ki-ốt tạm thời vì không đủ chi phí chi trả hoạt động”, vị tiểu thương chia sẻ.

Ông Hoàng Công Anh, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đồng Xuân cho biết, sau khi nhận được đơn thư của tiểu thương, Cty đã giải thích cho các hộ dân, đến nay đã có 1.399/1851 hộ kinh doanh nộp tiền. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra còn “nóng” hơn thế khi trong bão dịch, có khả năng mức thuê ki ốt sẽ lại điều chỉnh tăng lên rất cao so với hiện tại.

Nguyện vọng chính đáng

Trước việc tiểu thương các chợ lớn ở Hà Nội, TP. HCM xin giảm thuế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đó là nguyện vọng chính đáng, song cần có đánh giá, xem xét các tiêu chí cụ thể. “Khi đã có đánh giá, số liệu cụ thể, cơ quan thuế sẽ có căn cứ để quyết định có giảm thuế hay không, hoặc loại thuế nào cần giảm, loại thế nào không cần giảm, phương án giảm ra sao để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh”, ông Long nói.

Hiện nay, có hai loại thuế là thuế tiêu dùng và thuế sản xuất, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét từng lĩnh vực, từng loại hình hoạt động để có đánh giá mức độ thiệt hại. Theo ông Ngô Trí Long, hiện nay mức thuế khoán năm sau thường cao hơn 3-5% năm trước. Nhưng, với tình hình bệnh dịch hiện nay, cơ quan thuế cần chủ động tính lại mức thuế khoán cho hộ kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế.

Đánh giá về đề xuất xin giảm thuế hoặc giảm tiền thuê ki-ốt, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là yêu cầu hợp lý, hợp tình. Vì tại một số trung tâm thương mại lớn trên cả nước cũng đã hạ giá từ 20%-40% tiền thuê mặt bằng từ tháng 2 – 4/2020 để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn khi dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh, ăn uống và những ngành liên quan.