Khái niệm cân bằng là mục tiêu mà mỗi người chúng ta đều đang vật lộn để đạt đến - cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giữa thành tựu vật chất và giá trị tinh thần, giữa danh vọng và tình yêu… Thế nhưng, bạn có tin không khi chúng ta chỉ có thể thành công nếu như chấp nhận sống “không cân bằng có chủ ý”?

1. Dan Thurmon, diễn giả lừng danh người Mỹ từng khẳng định “Khái niệm cân bằng tuyệt đối là hoàn hoàn không thực tế!”. Việc loay hoay tìm sự cân bằng giữa bộn bề cuộc sống chỉ đang khiến bạn dậm chân tại chỗ mà thôi. Và thay vì theo đuổi một thứ viển vông xa vời, tại sao chúng ta không lựa chọn sống không cân bằng có chủ ý để phát triển bản thân đầy đủ và có ý nghĩa nhất? “Mọi người đua nhau tìm kiếm bí quyết để giữ cân bằng trong cuộc sống. Để rồi khi không đạt được, họ dằn vặt bản thân, nghĩ rằng nếu mình đủ giỏi, đủ thông minh, đủ chăm chỉ thì sẽ đạt được điều đó.” – Dan nói. “Hãy chấp nhận đi, mất cân bằng mới chính là thực tại cuộc sống! Chỉ đến khi nào chúng ta nhận thức được rằng sự cân bằng hoàn hảo không tồn tại, ta mới có thể học được cách sống không cân bằng có chủ ý". Vậy theo bạn, cuộc sống thực sự có cần sự cân bằng?

2. Có chứ! Không thể không nhắc tới đại dịch đang khiến cả thế giới điêu đứng. Không thể không nhắc tới những biến đổi thiên nhiên, những bão tố, lũ lụt gầm gào đến rồi đi... Bão lũ, đại dịch đã mang đến những điêu linh nhưng nó cũng gợi cho nhân loại, cho mỗi con người một cách sống chậm lại để nghĩ suy, để chiêm nghiệm tất cả. Và nó là gì nếu không thể gợi lại sự cân bằng...

Dân tộc Việt Nam đã đổ núi xương sông máu để đi tìm sự cân bằng trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử bằng những cuộc chống ngoại xâm thần thánh, bằng những huyền tích bay lên từ cõi chết, bằng bao phen gồng mình đứng vững được trên miệng vực tối đen. Con người Việt Nam đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại ung dung trước bất kỳ hoàn cảnh hiểm nghèo nào để tự tin, khoan thai bước vào cuộc chiến chống dịch với nhiều thử thách và biến động khôn lường.

Tất cả những đau đớn, tang thương, bất hạnh đó đã được dân tộc Việt Nam "cân bằng" bằng tình người, nghĩa đồng bào. Đây là một sự cân bằng giữa tai ương và dáng đứng, giữa hoạn nạn và thế đi lên, giữa cái chung và cái riêng mà tư duy, tư tưởng của các nhà lãnh đạo Việt Nam đã gặp được sâu thẳm ý nguyện lòng dân.

3. Cân bằng chính là sự chiêm nghiệm, là từ tâm, là mang tư tưởng thiền phật, là thở hơi thở của nhân dân, sống theo cuộc sống của nhân dân. Đó là trường tồn. Bởi cái cuối cùng của cuộc sống, cái cuối cùng của lẽ đời là gì nếu không phải là sự nhàn tâm, an nhiên và vui sống sạch lành trong lòng đạo lý một đời và muôn đời của dân tộc. Cái đạo lý đã làm nên sức vóc non sông qua bao dặm dài đất nước, đã tạo nên cái sức mạnh vô biên của khối đại đoàn kết dân tộc kết hợp với tinh thần thời đại hôm nay.

Cân bằng cuộc sống sẽ đem đến cho con người sự yên bình, thanh thản, hạnh phúc và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Sự cân bằng ấy thường sẽ chỉ xuất hiện một cách thoáng qua trong vài khoảnh khắc, thế nhưng nó sẽ xuất hiện lại nhiều lần.

Nhưng nếu muốn làm được điều đó, đòi hỏi mỗi người phải tự đặt ra cho mình những điều quan trọng nhất – những thứ mà bạn không thể hạnh phúc nếu thiếu đi chúng. Tìm kiếm sự cân bằng vô cùng quan trọng nhưng cũng rất khó khăn.