Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc gặp ở Florida, Mỹ ngày 17/4. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc gặp ở Florida, Mỹ ngày 17/4. (Nguồn: AFP)

Sau cuộc họp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago bang Florida, Tổng thống Donald Trump đã lên Twitter để chỉ trích thoả thuận CPTPP và nói rằng thỏa thuận này "có quá nhiều bất trắc và không có cách nào để thoát ra". 

“Mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng tôi quay lại CPTPP, nhưng tôi không thích thỏa thuận này cho nước Mỹ. Các thỏa thuận song phương hiệu quả hơn nhiều, có lợi hơn nhiều và tốt hơn nhiều cho người lao động của chúng tôi. Hãy nhìn xem WTO tồi tệ thế nào với nước Mỹ”, Tổng thống Trump viết.

Đáng chú ý, một số chuyên gia bày tỏ sự bối rối khi Tổng thống Trump đưa Hàn Quốc vào dòng tweet vì Hàn Quốc không phải là thành viên của CPTPP.

Tuy nhiên, đã có một số tin tức trong giới truyền thông Hàn Quốc cho rằng Seoul hiện có thể đang cân nhắc tham gia vào CPTPP.

Dòng tweet này đến một vài ngày sau khi Tổng thống yêu cầu các cố vấn xem xét khả năng quay trở lại CPTPP. Trước đó, Tổng thống Trump nói rằng Washington sẽ chỉ tham gia CPTPP nếu thỏa thuận này "tốt hơn đáng kể" so với phiên TPP mà Tổng thống Barack Obama ký kết.

Giới chuyên gia cho rằng, trên thực tế Mỹ vẫn muốn quay trở lại CPTPP để tạo đối trong với Trung Quốc trong thương mại tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Việc Trump thay đổi đột ngột quan điểm về CPTPP cũng chỉ là dễ hiểu, bởi lời cam kết của ông trong chiến dịch bầu cử, cũng như chính sách "nước Mỹ là trên hết" vẫn luôn ám ảnh Trump. Nếu Trump quyết định quay trở lại ngay CPTPP, sẽ làm cho ông mất mặt trước các cử tri Mỹ. Về dài hạn, nếu thời gian chứng minh được CPTPP thực sự có lợi cho Mỹ và Mỹ khổng thể thiếu được hiệp định này, thì chắc chắn Trump cũng không thể từ chối tham gia CPTPP trước sức ép của dư luận, nhất là giới doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Nhật Bản hiện vẫn đang thảo luận về CPTPP tại Quốc hội. Về phía Mỹ, trong một cuộc họp báo, Cố vấn Kinh tế trưởng Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết "có những thảo luận và cân nhắc" giữa các quan chức thương mại Mỹ và Nhật Bản về vấn đề CPTPP.

Khi được hỏi liệu Washington có xem xét đàm phán một hiệp ước khác hay không, Cố vấn Kudlow cho biết, Mỹ sẽ chỉ tham gia nếu cảm thấy thuyết phục rằng thỏa thuận này đáng giá trị so với thời gian chúng tôi bỏ ra. “Thành thực mà nói, tôi không nghĩ rằng tổng thống đã cảm thấy thuyết phục về điều này”, ông Kudlow cho biết.