Nếu dự án sửa đổi Luật Giáo dục đại học được thông qua sẽ tạo một cú huých rất mạnh cho giáo dục đại học phát triển

Trao đổi với báo chí, PGS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, một trường đại học muốn tự chủ thực sự thì phải đảm bảo kiềng 3 chân tự chủ: Tài chính – nhân sự - học thuật.

Theo Luật hiện hành, dù cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định về việc thu học phí, mức thu học phí, nhưng mức chi từ nguồn này vẫn bị giới hạn do quy định của Luật ngân sách, với những nguồn thu từ ngân sách nhà nước thì nhà nước sẽ phải quy định khung, giá và mức giá, còn đối với những nguồn thu học phí không xuất phát từ ngân sách nhà nước cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định.

Thế nhưng dự thảo Luật mới đã cho phép, với những khoản chi từ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phải chịu sự khống chế theo quy định của Luật ngân sách cũng như các quy định có liên quan liên quan đến vấn đề vốn nhà nước và quản lí tài sản nhà nước.

Đối với những nguồn vốn do cơ sở giáo dục đại học tự huy động được (từ nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách, gồm cả học phí) thì các cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định. Đây là một quyết định quan trọng giúp cho các cơ sở giáo dục tăng quyền tự chủ về mặt tài chính.

Các quy định này sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình vận hành các cơ sở giáo dục đại học liên quan đến nội dung, quyền quyết định về tài chính, tài sản. “Nếu dự án sửa đổi Luật Giáo dục đại học được thông qua sẽ tạo một cú hích rất mạnh cho giáo dục đại học phát triển vì đã “cởi trói” hết cỡ cho các trường tự chủ”. – bà Lan Anh nói.

Đồng quan điểm với PGS Vũ Thị Lan Anh, TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa, Xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng ủng hộ quan điểm Luật Giáo dục đại học phải bảo đảm tự chủ thực sự cho các trường đại học.

“Mỗi trường có một sản phẩm đào tạo riêng, vì thế, sửa Luật Giáo dục đại học lần này phải bảo đảm tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học. Đại học mà không được chủ động thì không đào tạo ra được con người chủ động. Vì thế, Bộ Giáo dục – Đào tạo không thể ôm đồm mọi việc, chỉ quản lí giáo dục đào tạo chứ không phải xông vào các hoạt động đào tạo như hiện nay”, ông Chức cho hay.

Cũng theo TS Chức, hệ thống đào tạo đại học hiện nay đang bị chia thành các trường lớn, trường nhỏ. Đại học phải là tự chủ, trường nào đào tạo chất lượng tốt thì được người học đón nhận, không nên chia thành đại học quốc gia, đại học, học viện.

Từ những phân tích đó, TS Chức đề nghị sửa luật lần này phải bám sát yêu cầu về căn bản, toàn diện, rà soát kỹ, không phải là sửa đổi vài vấn đề, mục tiêu là sửa đổi để đáp ứng yêu cầu giáo dục là quốc sách hàng đầu.