Chiều 17/5, tại Hà Nội, Khoa hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai tổ chức triển khai tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho đội ngũ phóng viên tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS TS Nguyễn Văn Chi – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu A9  (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Công tác tổ chức tiêm vaccine ở nước ta được Bộ Y tế triển khai rất chặt chẽ. Bộ Y tế đã xây dựng các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 và tổ chức tập huấn sâu rộng cho toàn bộ hệ thống y tế ở tất cả các khâu.

Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, người dân có thể gặp một số dấu hiệu thông thường như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm hoặc cảm giác bồn chồn.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, một số phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 hiếm gặp có thể xuất hiện trong vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm như: Người tiêm bị tê quanh môi hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ vùng da; ở vùng họng có cảm giác ngứa, tắc nghẹn, khản đặc; các triệu chứng liên quan tới tiêu hóa: Nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, khò khè, khó thở, thở rít, cảm giác nghẹt thở, ho… Ngoài ra, người tiêm phòng COVID-19 có thể gặp phản ứng toàn thân như mạch yếu, chóng mặt, choáng, tay chân co quắp…

"Một số dấu hiệu thông thường diễn biến nặng như: Sốt cao trên 39 độ C; bị sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc bi tụt/kẹt huyết áp. Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, nếu người tiêm gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường, lập tức gọi điện cho bác sỹ trong tổ tiêm chủng hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời”, ông Nguyễn Văn Chi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS TS Nguyễn Văn Chi cũng chia sẻ chi tiết quy trình tiêm chủng với đầy đủ các bước, từ rà soát danh sách đối tượng tiêm, khám sàng lọc, tiêm vaccine, theo dõi sau tiêm. Theo đó, bác sĩ cũng nhấn mạnh: Các y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai luôn sẵn sàng mọi phương án ứng phó cho tình huống phản ứng nặng với vaccine như sốc phản vệ, đảm bảo quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất.

Ngoài ra, khi được phóng viên hỏi về hiệu quả của vaccine AstraZeneca đối với biến thể của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Ấn Độ, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Với những biến thể mới được công bố gần đây, vaccine AstraZeneca vẫn có hiệu quả.

Theo thông tin mới nhất, hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ ngày 16/5 vừa tuyên bố vaccine Covaxin phòng bệnh COVID-19 của hãng này có hiệu quả đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và B.1.1.7 phát hiện tại Anh.

Nghiên cứu liên quan do Viện Virus học quốc gia và Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ thực hiện đã được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases.

Theo nghiên cứu này, Bharat Biotech cho biết vaccine Covaxin "tạo ra hiệu giá trung hòa (có nghĩa là nồng độ của kháng thể) chống lại tất cả các biến thể mới hiện nay."

Trên mạng xã hội Twitter, Suchitra Ella - đồng sáng lập cũng là Giám đốc điều hành Bharat Biotech - nêu rõ: "Vaccine Covaxin được quốc tế công nhận một lần nữa thông qua các dữ liệu nghiên cứu khoa học được công bố, cho thấy khả năng bảo vệ trước những biến thể mới".