Kết quả cho thấy hành vi trốn và tránh thuế có thể xảy ra ở mọi doanh nghiệp lớn, với tính chất phức tạp và ngày càng tinh vi.

CocaCola là Công ty điển hình trong việc trốn thuế

CocaCola là Công ty điển hình trong việc chuyển giá thông qua các khoản vay từ Công ty mẹ, Công ty liên kết

Các gương mặt chuyển giá điển hình

Theo VEPR, mức thuế thất thu ước tính cho cả 3 khu vực doanh nghiệp (FDI, doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước) có thể dao động trong khoảng 13.300 – 20.700 tỷ đồng (chiếm khoảng 6,4 – 9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp), gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý. Đặc biệt, các doanh nghiệp đa quốc gia trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Hiện có tới gần 10.600 doanh nghiệp FDI (trong tổng số 16.700 công ty) báo lỗ lũy kế (chiếm 63%) với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỷ đồng. Thậm chí số liệu chỉ ra, hơn 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn (chiếm 16%) với trị giá vốn chủ sở hữu âm 5.604 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này có gần 1.600 doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhóm chuyên gia thuộc VEPR cho rằng, số lượng doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế đã cao, nhưng tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp này cũng cao. Điều đó cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.

Cách thức chuyển giá điển hình mà các doanh nghiệp FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca – Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…) hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...)

Theo VEPR, gần đây còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận “ngược” từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất cũng như thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mỗi năm, tổng số tiền mà ngân sách nhà nước ưu đãi cho các doanh nghiệp chiếm khoảng 5,5 – 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi thuế chiếm tới trên 80%.

So với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi hơn, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thậm chí, một số doanh nghiệp FDI còn được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án. Tỷ lệ thuế thu nhập được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI chiếm 76% trong tổng thuế thu nhập được miễn giảm. 

Thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cho biết trong giai đoạn 2010 – 2018, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế đã phát hiện có tổng số 642.423 doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế thu về hơn 35.900 tỷ đồng và giảm lỗ là 185.000 tỷ đồng. 

Trong suốt giai đoạn này, số doanh nghiệp vi phạm tăng mạnh, từ khoảng 31.700 doanh nghiệp (năm 2010) lên 103.200 doanh nghiệp (năm 2017) và 95.900 doanh nghiệp (năm 2018). Lượng giảm lỗ cũng tăng từ 10.800 tỷ đồng (năm 2010) lên trên 40.900 tỷ đồng (năm 2018)...

Đánh giá những tác động tiêu cực của chuyển giá đối với Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu-Chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, các doanh nghiệp thực hiện các thủ thuật chuyển giá, chuyển lãi thành lỗ để tránh thuế khiến cho Việt Nam thất thu một khoản lớn ngân sách đáng lẽ có được từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp FDI. Những vi phạm ngày càng nhiều với quy mô trốn, tránh nghĩa vụ thuế lớn như đã nêu ở trên gây ra những những nghi ngại về hiệu quả của chính sách thu hút vốn FDI mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện.

Với lợi thế về tài chính thông qua chuyển giá, doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp nội địa, làm nảy sinh cạnh tranh bất bình đẳng, khiến doanh nghiệp “nội địa” mất thị phần, thậm chí có những doanh nghiệp liên doanh bị thôn tính và trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyển giá làm cho hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư nước ngoài trở nên kém đi (nhìn từ bên ngoài, qua tình trạng báo lỗ), điều này tạo ra những sai lệch về chỉ số đo lường hiệu quả đầu tư, làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam xấu đi, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam.

Đã đến lúc Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế phải có biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, tránh gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước và gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước...