Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án triển khai đường Vành đai 3. Tuy nhiên theo Bộ GTVT, đến nay vẫn chưa thu xếp được nguồn vốn cho phần còn lại của dự án này.

Theo Bộ GTVT, trong trường hợp các địa phương đảm nhận đầu tư, thì đề nghị các địa phương đề xuất cơ chế thực hiện. Còn nếu đề xuất Bộ GTVT chủ trì đảm nhận, thì các địa phương sẽ đảm nhận toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng.

 Hiện đường vành đai 3 TP.HCM mới chỉ hoàn thành và đưa vào khai thác 16,7 km, đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Hiện đường vành đai 3 TP.HCM mới chỉ hoàn thành và đưa vào khai thác 16,7 km, đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Giới chuyên gia cho rằng, các phương án mà Bộ GTVT nêu ra đều rất khó thực hiện. Bởi lẽ, đối với nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng, Bộ GTVT có thể cân đối được, nhưng đối với các địa phương thì nguồn ngân sách này lại rất eo hẹp. Đơn cử để hoàn thành 2 dự án thành phần là 1A có chiều dài 8,7km và 2A có chiều dài 5km, tỉnh Đồng Nai cần đến nguồn ngân sách cho giải phóng mặt bằng lên đến 2.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 của tỉnh Đồng Nai tính bình quân cho từng năm chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết 3 đoạn còn lại của đường Vành đai 3 đã xác định được nguồn vốn đầu tư. Trong đó, dự án 1A có tổng vốn đầu tư 5.329 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.200 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ. Dự án 1B có tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức BOT. Hai đoạn còn lại Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và Quốc Lộ 22 – Bến Lức được đề xuất vay từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và Ngân hàng phát triển Châu Á.