Năm 1921, ông Nguyễn Mạnh Bổng, Tổng thư ký hội Bắc kỳ Công thương đồng nghiệp, đồng thời cũng là Quản lý sự vụ của tạp chí Hữu Thanh, viết như sau về vở kịch của Vũ Đình Long: “Văn-học-sử nước ta sau này chép đến lối văn kịch có lẽ sẽ kể đầu từ bản kịch “Chén thuốc độc” này của ông Vũ-Đình-Long”.

Lịch sử đã xác nhận những lời tiên tri của ông. Kỷ niệm 100 năm ngày xuất bản và công diễn vở kịch, cũng là kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của kịch nói Việt Nam, vở “Chén thuốc độc” được dịch ra tiếng Nga cùng một bản dịch mới sang tiếng Pháp.

"Cha đẻ" của sân khấu Việt Nam hiện đại 

Vũ Đình Long, không nghi ngờ gì nữa, là một trong những nhà hoạt động văn hóa độc đáo và có nhiều ảnh hưởng nhất của nước ta trong thế kỷ XX. Tên tuổi Vũ Đình Long thường được gắn liền với nhà xuất bản Tân Dân và các tờ báo Tiểu thuyết Thứ bẩy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích Hữu, những địa chỉ thân thiết với rất nhiều nhà văn Việt Nam thành danh trước Cách mạng Tháng Tám. Trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1945, Vũ Đình Long là người đỡ đầu tài năng và tâm huyết cho rất nhiều tác phẩm văn chương mà ngày nay đã trở thành kinh điển và niềm tự hào của nền văn học dân tộc.

Nhiều tác phẩm kinh điển của Pháp như Le bourgeois gentilhomme (Trưởng giả học làm sang), L’Avare (Lão hà tiện)… đã được diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội

Nhiều tác phẩm kinh điển của Pháp như Le bourgeois gentilhomme (Trưởng giả học làm sang), L’Avare (Lão hà tiện)… đã được diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội

Nhưng Vũ Đình Long trước hết là một nhà viết kịch. Với vở kịch 3 hồi nổi tiếng Chén thuốc độc, được công diễn lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 22/10/1921, ông được công nhận rộng rãi là cha đẻ của sân khấu Việt Nam hiện đại. Sau tác phẩm quan trọng này, ông còn sáng tác nhiều vở kịch khác, như Tây Sương tân kịch (1922), Tòa án lương tâm (1923), Đàn bà mới (1943), Thờ nước (Việt hóa vở “Servir” của Henri Lavedan, 1947), Công tôn nữ Ngọc Dung 

(Việt hóa vở “L’Aventurière” của Emile Augier, 1947), Tổ quốc trên hết hay là Tình trong khói lửa (Việt hóa vở “Horace” của Corneille, 1949), Gia tài (Việt hóa vở “Le Légataire universel” của Jean-François Regnard, 1958), Ép duyên hay là Trên đường cải tạo (1958). Cho đến khi ông mất năm 1960, nhiều tác phẩm của ông vẫn chưa được công diễn.

Sự ra đời của các loại hình nghệ thuật hiện đại Việt Nam gắn liền với thực tiễn giao thoa và cộng sinh văn hóa Đông – Tây và nói chung đều đi qua con đường từ dịch thuật, Việt hóa đến mô phỏng và cuối cùng là sáng tạo. Tất cả các loại hình nghệ thuật, trừ điện ảnh, đều đạt đến độ chín muồi và tạo ra những thành tựu rực rỡ vào hai thập niên 1920 và 1930.

“Chén thuốc độc” đã trở thành chuẩn mực để nhiều nhà soạn kịch đương thời hướng theo.

“Chén thuốc độc” đã trở thành chuẩn mực để
nhiều nhà soạn kịch đương thời hướng theo.

Sân khấu nghệ thuật vị nhân sinh 

Trước khi tiếp nhận ảnh hưởng của sân khấu phương Tây, Việt Nam chỉ có ca kịch, với hai thể loại phổ biến nhất là Chèo và Tuồng. Đầu thế kỷ XX, một thể loại ca kịch mới là Cải lương được hình thành ở Nam Bộ trên cơ sở nhạc Tài tử. Thể loại sân khấu mới này hòa trộn nhiều nguồn ảnh hưởng, trong đó đáng chú ý là có cách trình diễn tại nhà hát có phông màn theo lối của người Italia. Ở miền Bắc, chèo cũng được cải biên. Tuy nhiên, ca kịch đã không còn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và thị hiếu của các tầng lớp dân chúng thành thị đang tăng lên nhanh chóng.

Quá trình hình thành kịch nói của Việt Nam diễn ra song song với sự tăng cường ảnh hưởng của văn hóa Pháp và sự truyền bá Chữ quốc ngữ với sự đóng góp của những trí thức Tây học, đặc biệt là Nguyễn Văn Vĩnh, người đã dịch sang tiếng Việt nhiều tác phẩm kinh điển của Pháp, trong đó có các vở kịch như Le bourgeois gentilhomme (Trưởng giả học làm sang), L’Avare (Lão hà tiện), Le malade imaginaire (Bệnh tưởng), của Molière và Turcaret của Le Sage… Năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng, đánh dấu một sự chuyển biến quan trọng trong hoạt động biểu diễn ở Việt Nam khi đó.

Các trí thức và nghệ sĩ Việt Nam lúc này nung nấu khát vọng xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu mới có thể phản ánh chân thực đời sống xã hội Việt Nam đương thời. Trong số này phải kể đến Phạm Ngọc Khôi, Trần Tuấn Khải, và đặc biệt là Vũ Đình Long.

Ông Dương Nhữ Tiếp, hội trưởng hội đồng diễn kịch, nói trong bài diễn thuyết nhân buổi công diễn vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long như sau: “Chúng tôi vốn cảm nhiễm cái văn hóa mới nước Pháp thường nhiệt tâm về việc cải lương hí kịch ở nước ta ngày nay, trông thấy các hí trường từng diễn theo một lối hát cổ của tiền nhân ta để lại, cái cách diễn chẳng qua là đem những điển cố xưa mà phác họa ra trên sân khấu, không có một chút gì là tả chân được các cảnh tượng thiên nhiên thích hợp với thời đại phong tục. Cái lối diễn kịch cổ ấy, không phải là không hay, song nó hay ở một cách mập mờ không đúng với sự thực. Ngày nay thế giới ở buổi khai thông, muốn việc gì cũng mong cải lương cho được như thực, bởi vì có thực được thời mới có ảnh hưởng sâu xa đến nhân tâm phong tục. Chúng tôi đối với việc diễn kịch, chỉ là những mong cho được cái sự thực mà chúng tôi vừa nói ở trên. Cái sự thực trong nghề diễn kịch ấy, ở nước ta chưa từng có bao giờ, cái bước thí nghiệm của chúng tôi này thực mới là lần thứ nhất, nghĩa là chưa bao giờ có bản tuồng tả phong tục An Nam diễn theo đúng thể cách An Nam, như bản kịch “Chén thuốc độc” của ông Vũ Đình Long mà chúng tôi diễn ngày hôm nay”.

Vở kịch của Vũ Đình Long đã tạo được tiếng vang lớn bởi ngoài hình thức mới mẻ, nó đã thành công trong việc mô tả bi kịch gia đình của Thầy thông phán Thu, qua đó thể hiện những xung đột văn hóa ở thành thị Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Vở kịch cũng cho thấy những ưu tư nặng trĩu của tác giả về tình trạng phong hóa của đất nước. Trong thư “Trả lời bác Đặng Thai Mai”, Vũ Đình Long viết: “Tôi rất ghét mê tín (đồng bóng quàng xiên, bói toán, tướng số…) cờ bạc, rượu chè… là những cái có hại cho gia đình và xã hội. Vì thế mà tôi viết “Chén thuốc độc” và “Tòa án lương tâm”. Có thể nói rằng Vũ Đình Long là một kịch tác gia nhập thế. Tuy vậy, vấn đề tư tưởng của của tác phẩm, vấn đề mâu thuẫn giữa dục vọng và lương tri, là một vấn đề vĩnh cửu. Ngôn ngữ và cấu trúc hiện đại, vở kịch xứng đáng là một tác phẩm tiên phong.

Vũ Đình Long đặc biệt hâm mộ văn hào Nga Anton Chekhov. Trong bài “Trả lời các anh bạn “Sân Khấu”, ông viết: “Hòa bình lập lại đã gần hai năm mà tôi chưa có được một tác phẩm nào, mặc dù tầm thường bé nhỏ, để đóng góp vào công cuộc chung, tôi vẫn lấy làm thắc mắc lắm. May sao tôi tìm được mấy vở kịch của Ăng-Tôn Sê-cốp, một nhà đại văn hào Nga, tôi xem thấy hay quá, lạ quá, bèn chọn một vở để Việt Nam hóa. Tôi đã chọn vở ‘Cậu Va-ni-a’”.

Vũ Đình Long mô tả công việc Việt Nam hóa tác phẩm của Sê-khốp: “Kịch Sê-cốp hay, những tư tưởng nhân đạo tiền tiến của Sê-cốp hợp với chế độ dân chủ nhân dân ta. Tôi đã say sưa Việt Nam hóa vở ‘Cậu Va-ni-a’ của Sê-cốp cũng như trước kia tôi đã say sưa Việt Nam hóa vở ‘Horace’ của Corneille. Tôi đã cố gắng dịch sát nguyên bản văn Pháp, chỉ thay đổi những chi tiết để cho thành một tấn kịch Việt Nam, với những nhân vật Việt Nam, trong khung cảnh Việt Nam. Tôi không biết sự cố gắng của tôi có đem lại những kết quả mà tôi mong đợi không, nhưng mà tôi rất sung sướng là đã trút bỏ được một sự thắc mắc lớn”.

Vũ Đình Long mất ngày 14/8/1960 tại Hà Nội. Nhưng ông mãi mãi là một phần của văn hóa Việt Nam.