Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bỏ khái niệm "người tài"

Thy Hằng 25/11/2019 15:16

Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 88,2% đại biểu tán thành.

Cụ thể, với 426/454 Đại biểu tham gia biểu quyết bấm nút tán thành, tương đương 88,2%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

 88,2%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 88,2% Đại biểu tán thành.

Bỏ khái niệm "người tài"

Theo đó, không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào Luật.

Báo cáo giải trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thực tiễn cho thấy khái niệm “người có tài năng” là rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Do đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng là khó khả thi. Bên cạnh đó, phạm vi của Luật Cán bộ, công chức chỉ quy định về quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách đối với “cán bộ, công chức”, nếu quy định về người có tài năng nói chung là không phù hợp.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin  phép Quốc hội không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung, chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật để thể hiện chính sách của Nhà nước trong phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng.

Giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Bỏ viên chức suốt đời

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho biết, Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm tiến bộ so với trước đây. Trong đó, điểm tiến bộ thứ nhất là “bỏ viên chức suốt đời” và thi tuyển công chức, viên chức thể hiện sự minh bạch hơn.

Theo Đại biểu, quy định này giúp những người vào được bộ máy công quyền luôn nỗ lực, phấn đấu lao động, làm việc để không còn ý nghĩ đã vào được bộ máy, đã làm được công chức, viên chức “suốt đời” là không còn động lực để cố gắng phấn đấu.

“Chúng ta cần phải kiểm định lại công chức, viên chức theo từng giai đoạn, từng thời kỳ để nếu trường hợp công chức, viên chức đó không đáp ứng được yêu cầu thực tế cần phải loại ra, thay thế khỏi bộ máy để lựa chọn, đưa vào những người tốt hơn”, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Công chức, viên chức được nghỉ trưa 1 tiếng có hợp lý?

    14:01, 01/05/2019

  • Giờ làm việc của công chức, viên chức sẽ thay đổi như thế nào?

    07:54, 30/04/2019

  • Hà Nội "mạnh tay" chi cho công chức, viên chức chuyên trách CNTT

    13:42, 05/07/2018

  • Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ công chức, viên chức

    18:11, 28/06/2018

Nêu quan điểm trước các quy định về tìm nhân tài, đãi ngộ nhân tài để tuyển dụng, Đại biểu đoàn Khánh Hòa cho rằng xác định nhân tài là rất khó.

“Quy định là theo bằng cấp nhưng bằng cấp bây giờ rất khó phân định là bằng cấp đó có tương xứng với chất lượng học vấn của người học hay không? Quy định tài năng là do năng lực làm việc nhưng vấn đề này người ta phải làm việc mới biết được tài năng của họ. Vì vậy, thế nào là nhân tài đòi hỏi phải có tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch, lúc đó mới không bị lợi dụng việc tuyển nhân tài để đưa con cháu, người thân quen vào bộ máy công quyền”, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu băn khoăn.

Xoá tư cách chức vụ với cán bộ kỷ luật đã nghỉ hưu

Đặc biệt, về quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Quốc hội chính thức quy định hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” đối với cán bộ nghỉ hưu để bảo đảm thống nhất với kỷ luật Đảng.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, nhưng bảo đảm tính nhân văn.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Do đó, xin được quy định trong Luật nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

"Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện", Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Bên cạnh các ý kiến trên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, có ý kiến còn đề nghị quy định theo hướng chỉ xử lý hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn nhất định đã nghỉ hưu, nghỉ việc mà không áp dụng chung cho tất cả cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bổ sung vào Luật Cán bộ, công chức quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức đã nghỉ việc nghỉ hưu là thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trong đó có cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. "Do đó, xin Quốc hội cho thể hiện nội dung này như trong dự thảo Luật”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bỏ khái niệm "người tài"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO