Xây dựng Kon Tum là tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn, trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia.
>>Quy hoạch Đắk Nông vị thế của nhôm và năng lượng tái tạo quốc gia
Đây là những mục tiêu cốt lõi trong buổi công bố quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 16/1. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.
Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước. Phát huy lợi thế, xây dựng địa phương là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn. Điểm dến trọng điểm trong du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn liền với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN.
Phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, chú trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử. Xây dựng đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm. Phát triển công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước, bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
>>Quy hoạch Đắk Nông vị thế của nhôm và năng lượng tái tạo quốc gia
Đến năm 2030, Kon Tum phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Cơ cấu ngành kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 17% đến 18%, công nghiệp, xây dựng khoảng 33% đến 35% và dịch vụ khoảng 43% đến 45%.
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình tổ chức không gian phát triển “03 vùng kinh tế, 04 cực tăng trưởng, 06 hành lang phát triển”.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định với những tiềm năng, lợi thế hiện có, dư địa cho đầu tư và phát triển còn lớn sẽ là nền móng vững chắc để tỉnh Kon Tum có sự đột phá và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Kon Tum cần có giải pháp, thực hiện một số nhiệm vụ trong thời gian tới để biến quy hoạch thành hiện thực.
Thay mặt tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết với tiềm năng, lợi thế đặc thù sẵn có của tỉnh, cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Kon Tum nhất định sẽ phát triển vững mạnh, giàu đẹp, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà.
Kon Tum được xác định là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Trong quy hoạch, Kon Tum theo đuổi xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng. Có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Quy hoạch để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển
13:37, 10/01/2024
Quy hoạch Đắk Nông vị thế của nhôm và năng lượng tái tạo quốc gia
13:01, 06/01/2024
Quy hoạch tỉnh Thái Bình sẽ mở ra không gian phát triển mới
11:52, 04/01/2024
Quy hoạch Gia Lai là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa
10:41, 03/01/2024