Phòng ngừa hạn chế rủi ro tín dụng hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng như: Giảm chi phí, nâng cao được thu nhập, bảo toàn vốn; tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền và nhà đầu tư...
Đơn cử tại Sacombank, ngày 11/03/2019, Ngân hàng đã chính thức triển khai hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) sau hơn 1 năm nghiêm túc xây dựng.
Nâng cao năng lực quản trị rủi ro
Thông qua việc triển khai LOS, Sacombank sẽ quán lý tập trung và chuẩn hóa toàn bộ hồ sơ theo khách hàng, chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu, tăng tính năng bảo mật an toàn, góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro của Sacombank theo tiêu chuẩn Basel II.
Bên cạnh đó, các tờ trình, biểu mẫu sẽ được hệ thống xuất tự động và luân chuyển hồ sơ qua từng cấp phê duyệt, giúp giảm thiểu rủi ro phê duyệt không đúng thẩm quyền. Công tác giao nhận hồ sơ sẽ được tự động hóa hướng đến mục tiêu giảm chứng từ giấy.
Ngoài ra, bằng việc liên kết các hệ thống khác của Sacombank, LOS cho phép người dùng tra cứu thông tin lịch sử giao dịch của khách hàng (mức cấp, dư nợ, doanh số của tiền vay và các giao dịch Tiền gửi thanh tóan) một cách dễ dàng và nhanh chóng, các thông tin được nhập liệu kỹ lưỡng từ đầu làm nền tảng tái sử dụng lại nhiều lần, từ đó giúp công tác xử lý hồ sơ ở giai đoạn triển khai phán quyết và ở các trình phê duyệt lần sau nhanh chóng hơn.
Từ những tính năng ưu việt trên, các cấp quản lý ở Hội sở, Khu vực, Chi nhánh, Phòng giao dịch sẽ vận dụng LOS như công cụ hỗ trợ công tác giám sát, quản trị rủi ro từ xa được tốt hơn đối với các hồ sơ tín dụng như: Nắm rõ tình hình giao dịch cấp tín dụng của từng khách hàng, nhóm khách hàng, tình trạng xử lý hồ sơ, tình hình thực hiện bút phê, sử dụng các hạn mức… để có sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.
Công cụ quản lý hiệu quả
Theo ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank: “Quá trình triển khai LOS được chia làm 4 giai đoạn tuần tự tại các Chi nhánh trọng điểm và dự kiến đến ngày 01/4/2019, Sacombank sẽ triển khai LOS trên toàn hệ thống và áp dụng hệ thống này như công cụ để quản lý một cách hiệu quả quá trình cấp tín dụng, giúp giảm thiểu rủi ro cũng như tiết kiệm thời gian tác nghiệp cho các đơn vị tham gia vào hoạt động này”.
Ông Tuệ cũng cho biết thêm, trong suốt quá trình triển khai, Sacombank luôn có đội ngũ nhân sự thuộc đội dự án LOS đã được đào tạo bài bản cũng như tiếp thu các kiến thức từ đối tác tư vấn, sẽ có mặt tại các Chi nhánh, Phòng giao dịch để hỗ trợ trực tiếp, giải đáp những thắc mắc trong quá trình tác nghiệp với hệ thống LOS để hạn chế những sai sót trong quá trình tác nghiệp lần đầu.
Trước đó, ngày 19/2/2019, Sacombank và Công ty TNHH Tư vấn PwC Việt Nam cũng đã chính thức bắt tay khởi động dự án “Nâng cấp và hoàn thiện khung quản lý Tài sản Có – Tài sản Nợ (ALM)”. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối quý 3/2019 với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện khung quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng một cách toàn diện phù hợp với yêu cầu của Basel cũng như các quy định của NHNN.