Sau những vụ mất tiền trong tài khoản và thẻ ATM gần đây, NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng cường phòng, chống gian lận trong hoạt động mở tài khoản và phát hành thẻ.
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đang có 132 triệu thẻ ngân hàng được phát hành trong khi dân số Việt Nam ước tính trên 96 triệu dân.
Thẻ rác tràn lan
Theo số liệu thống kê của Hội Thẻ Việt Nam, trong số 132 thẻ ngân hàng đang lưu hành, chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động thực sự, 55 triệu thẻ còn lại là thẻ "rác". Trong đó, 15,6 triệu thẻ được phát hành mới, tương đương 20% số thẻ đang hoạt động thực tế trên thị trường.
Theo các chuyên gia, nhiều ngân hàng thương mại đua nhau phát hành thẻ để đạt chỉ tiêu, mở rộng thị phần dù khách hàng không có nhu cầu sử dụng. Chưa kể, với việc các công ty trả lương qua thẻ, thì khi nhân viên chuyển sang chỗ làm khác hoặc làm việc cho nhiều công ty sẽ phải sử dụng thẻ của các ngân hàng khác nhau, dẫn đến tình trạng một người có đến 4-5 thẻ ngân hàng khác nhau, trong khi chỉ có nhu cầu sử dụng 1-2 thẻ.
Đi cùng thẻ rác là nhiều hệ lụy. Trong đó thiệt hại nhiều nhất phải kể đến là người tiêu dùng. Thẻ rác không sinh lời nhưng lại tạo ra những chi phí không cần thiết. Với một thẻ ngân hàng, số dư tối thiểu phải từ 50.000 – 100.000 đồng, chưa kể các loại phí như phí thường niên. Đối với thẻ tín dụng, mức phí thường niên tùy theo cấp thẻ có thể lên đến 500.000 đồng hoặc thậm chí 800.000 đồng/năm. Với thời hạn của một thẻ duy trì trong ít nhất 3 năm hoặc có thể dài hơn, thì người dùng sẽ mất hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng cho những năm tiếp sau.
Không chỉ thế, đối với thẻ tín dụng, nếu khách hàng không thanh toán khoản phí thường niên đúng hạn, sẽ bị một số ngân hàng áp dụng chế độ phạt nợ quá hạn, tùy mức độ có thể bằng 50%, hoặc thậm chí 100% khoản phí thường niên, khiến người dùng thiệt đơn thiệt kép.
Tăng cường biện pháp quản lý
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với thẻ thanh toán sử dụng tiền của khách hàng, ngân hàng không nên thu phí thường niên để thúc đẩy việc không dùng tiền mặt. Tiền trong thẻ này là tiền của khách hàng, ngân hàng đang giữ tiền của khách hàng thì không cớ gì bắt khách hàng phải trả phí như thẻ tín dụng được. Thẻ tín dụng là thẻ mà ngân hàng thực hiện cấp hạn mức nên việc thu phí thường niên là đương nhiên.
"Ở Mỹ hay các nước phát triển, ngân hàng không thu một số loại phí như các ngân hàng ở Việt Nam như phí sao kê tài khoản, phí thường niên đối với thẻ ATM... Các ngân hàng Việt thu phí quá nhiều. Chính vì vậy, ngân hàng cần rà soát lại hàng năm số thẻ ATM có hoạt động hay không để tránh gây lãng phí cho xã hội và cắt giảm những mức phí không cần thiết", ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, NHNN đã cân nhắc yêu cầu giới hạn số lượng tài khoản, thẻ mở cho mỗi khách hàng.
Sau liên tiếp những vụ mất tiền trong tài khoản và thẻ ATM diễn ra gần đây, NHNN yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tăng cường phòng, chống gian lận trong hoạt động mở tài khoản và thẻ ATM.
Theo đó, cơ quan này chỉ đạo các ngân hàng phải rà soát lại toàn bộ quy trình, hồ sơ phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, đảm bảo quy trình được thực hiện đúng không có gian lận, sai sót trong quá trình mở thẻ.
Các ngân hàng phải phổ biến tới toàn thể nhân viên và người quản lý có trách nhiệm, xử lý nghiêm các cán bộ không tuân thủ quy định.
Với những đề nghị phát hành và sử dụng thẻ của khách hàng đăng ký phát hành nhiều thẻ, NHNN yêu cầu cần xem xét việc cân nhắc giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng mở cho một khách và áp dụng hạn mức giao dịch tương ứng.
Các đơn vị chấp nhận thẻ phải rà soát lại giao dịch thanh toán để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đặc biệt là các đơn vị chấp nhận thẻ với số tiền lớn, nhiều lần, không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Đối với các ngân hàng thành viên thuộc Hội thẻ ngân hàng, NHNN yêu cầu cần tăng trường trao đổi thông tin giữa các bên để cập nhật thông tin về các thủ đoạn, kỹ thuật công nghệ mới trong hoạt động gian lận thanh toán.