Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN. Đồng thời có quy định cụ thể cơ chế chuyển giao phần vốn giữa các đại diện chủ sở hữu.
Làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sáng 13/1, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Tổng công ty trong suốt 30 năm xây dựng và trưởng thành.
“Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã trở thành nhà khai thác cảng container chuyên nghiệp, hiện đại, lớn nhất Việt Nam và là điểm sáng của Quân đội về phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng an ninh. Tạo niềm tin cho Đảng, Nhà nước về việc phát triển doanh nghiệp Nhà nước có hiệu quả, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế, chủ động và thành công tham gia cuộc CMCN lần thứ tư”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, là doanh nghiệp có định hướng chiến lược phát triển kinh doanh trên 3 ngành nghề chính là khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đạt tốc độ tăng trưởng cao qua các năm.
Cụ thể, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Nhiều công ty thành viên có quy mô khá lớn như năm 2019 có 01/31 công ty đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, 01/31 công ty đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, 08/31 công ty đạt doanh thu trên 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp đi đầu trong dự báo và triển khai các giải pháp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang vận hành các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến như TOPX, TOPOVN, OTM… giúp giảm 55% thời gian tàu nằm bến cho các hãng tàu. Giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa cho khách hàng; giảm 60% các vụ việc mất ATLĐ, ATGT… Triển khai “Cảng điện tử ePort”, “lệnh giao hàng điện tử (eDO) với các hãng tàu” cung cấp công cụ cho khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến qua thẻ ATM và tài khoản ngân hàng, phát hành hóa đơn điện tử…
Trong thời gian tới Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tập trung phát triển Công nghệ. Theo đó, xây dựng hệ sinh thái số eSNP, tối ưu quản lý và tự động hóa các quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí trong các hoạt động khai thác cảng và logistics, giúp loại bỏ tập quán giao dịch thủ công truyền thống giữa các bên, điện tử hóa các quy trình, phù hợp với xu thế kinh tế chia sẻ trong thời đại CMCN 4.0.
Cùng với đó, từng bước tự động hóa dây chuyền sản xuất ứng dụng IoT trong giám sát nhiệt độ container lạnh, sử dụng các thiết bị cảm biến đọc, ghi thông số nhiệt độ container lạnh tự động, điều khiển bằng phần mềm trung tâm; Triển khai hệ thống giao nhận cont qua cổng bán tự động; Triển khai hệ thống RFID quản lý xe, moọc đi qua cổng, trong line cẩu khung, quanh cẩu bờ. Đặc biệt, xây dựng hệ thống báo cáo thông minh ứng dụng Big Data.
Cho ý kiến về những mục tiêu của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Tổng công ty cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là cảng biển, logistic và vận tải biển – các lĩnh vực lưỡng dụng kinh tế quốc phòng đã góp phần tạo nên thành công của Tổng công ty và cũng là lĩnh vực Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển.
Đồng thời đề nghị cần tối ưu hóa hệ thống cảng biển để khai thác hết tiềm năng lợi thế không chỉ cho các địa phương mà phải nhìn rộng cho cả vùng và đất nước, từ đó đầu tư các cảng có quy mô đủ lớn và cơ chế quản lý phù hợp; phát triển hệ thống logistic gắn với hệ thống cảng biển để góp phần giảm chi phí logistic cho xã hội và là hướng đi kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu lựa chọn đối tác chiến lược mạnh trên thế giới và đề xuất Chính phủ các giải pháp để Tổng công ty tham gia xứng đáng vào thị phần vận tải biển của quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
05:03, 09/12/2019
10:10, 13/11/2019
11:00, 20/10/2019
04:27, 20/10/2019
12:09, 16/10/2019
Đồng quan điểm, Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, chiến lược của Tân Cảng trong thời gian tới bên cạnh gắn liền với quốc phòng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, ưu tiên cho lộ tình ứng dụng KHCN theo tận dụng phát huy các thành tựu của CMCN 4.0 trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Đặc biêt, xây dựng các kho thông minh, cảng thông minh, phát triển thương mại điện tử, tự động hóa từng phần, từng bước, có thể có khu vực tự động hóa hoàn toàn. Hợp tác với các doanh nghiệp mạnh, đặc biệt với Viettel.
Để hiện thực những mục tiêu này, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị ba vấn đề.
Thứ nhất, đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ hai, xem xét sửa đổi các quy định về tiền lương đối với người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước theo hướng sát hơn với cơ chế thị trường nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quân đội tuyển dụng, thu hút, giữ chân người quản lý có trình độ cao, có cơ chế trả lương và các chính sách đãi ngộ tương xứng với năng lực, cống hiến để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ chế thị trường
Thứ ba, đề xuất quy định cụ thể cơ chế chuyển giao phần vốn giữa các đại diện chủ sở hữu nhằm mục đích quản lý hợp lý, hiệu quả hơn.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Tổng công ty, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, đất nước ta thời gian tới sẽ tập trung chuyển mình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng phát triển về chất.
“Đề nghị Tổng Công ty đúc kết các kinh nghiệm, bài học và kết quả đạt được của mình trong hơn 30 năm qua để tạo nền tảng phát triển về chất, tiếp tục có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.