HSBC cho rằng tiêu dùng ở ASEAN sẽ chậm lại vào năm 2023. Tại Philippines có thể sẽ chậm lại nhiều nhất, trong khi Việt Nam, Malaysia và Singapore cho thấy sự vững vàng nhất định.
>>Cơ hội mới trong hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC trong báo cáo “ASEAN Perspectives – Liệu tiêu dùng có trụ vững?” thông tin, càng nhiều người làm việc và càng kiếm được nhiều tiền thì càng có nhiều nguồn lực trong nền kinh tế để chi tiêu. Tất nhiên, đây là một quan điểm quá đơn giản, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là lao động thường đi theo xu hướng. Nguồn cung lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tiền lương, lựa chọn tùy thích và thu nhập phát sinh ngoài công việc. Tuy nhiên, một yếu tố chính là dân số, nguồn cung lao động tiềm năng tăng lên cùng với sự gia tăng của dân số trong độ tuổi lao động, dẫn đến nguồn cung lao động tuân theo một số dạng xu hướng tự nhiên. Đặt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, chúng ta có thể phỏng đoán rằng nguồn cung lao động ít nhiều đã bình thường hóa khi việc làm quay trở lại xu hướng tự nhiên này. Nếu việc làm vẫn ở dưới ngưỡng của xu hướng thì nghĩa là vẫn còn cơ hội để lao động phục hồi.
HSBC cho rằng tiêu dùng ở ASEAN sẽ chậm lại vào năm 2023 nhưng mỗi nước mỗi khác; tiêu dùng tại Philippines có thể sẽ chậm lại nhiều nhất, trong khi Việt Nam, Malaysia và Singapore có thể cho thấy sự vững vàng nhất định.
Biểu đồ 11 thể hiện tỷ trọng số lượng người có việc làm ở ASEAN so với xu hướng trước đại dịch và chúng ta có thể thấy lao động Philippines và Thái Lan lần lượt đã vượt trên mức xu hướng, góp phần hỗ trợ phục hồi tiêu dùng ở cả hai nền kinh tế trong năm ngoái. Tuy nhiên, sang năm 2023, nếu chu kỳ lặp lại thì sẽ không có lợi cho họ. Phục hồi về việc làm có thể đã tới ngưỡng vào năm 2022 và sẽ khó có thể tạo thêm nhiều việc làm trong nền kinh tế để thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình hơn nữa vào năm 2023. Tuy nhiên, khác với Philippines, Thái Lan vẫn có thể dựa vào sự bùng nổ du lịch dự kiến diễn ra trong năm 2023 để tạo việc làm hoặc thay thế công việc cũ bằng những công việc được trả lương cao hơn.
Mặt khác, cơ hội phục hồi ở Việt Nam và Malaysia vẫn còn, khi đó sẽ hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, HSBC cũng xin lưu ý rằng có những rủi ro suy giảm khi các nền kinh tế này chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng thương mại toàn cầu chậm lại. Sự phục hồi thị trường lao động của Indonesia cũng hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt, mức tăng lương ở thành thị (chiếm 57% dân số) mạnh hơn mức tăng lương ở nông thôn, mặc dù vẫn ở dưới mức trước đại dịch do lạm phát cao hơn nên mức hưởng lợi cũng bị ảnh hưởng.
Nhóm phân tích đặt câu hỏi: Vậy thu nhập mà mọi người nhận được từ công việc của họ thì sao? Nó có tăng lên giữa làn sóng lạm phát năm 2022 không? Đó là một bức tranh đa chiều, ở đó Việt Nam và Indonesia được lợi, trong khi Malaysia và Philippines chứng kiến giá hàng hóa và dịch vụ có tốc độ tăng nhanh hơn tiền lương vào năm 2022, làm “xói mòn” sức mua và cắt giảm tiêu dùng trong tương lai gần. Tác động do lạm phát thường không thấy ngay được và các hộ gia đình có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lại chi tiêu của họ trong suốt cả năm do chi phí sinh hoạt tăng mạnh.
Tuy nhiên, một lần nữa, mức độ suy giảm của mỗi nước ASEAN một khác. Sức mua của tiền lương không giảm nhiều ở Malaysia, nơi thị trường lao động tiếp tục phục hồi gần mức trước đại dịch, trong khi sức mua ở Việt Nam thậm chí còn tăng lên, tiếp thêm sự vững vàng cho nền kinh tế trong năm 2023.
Tuy nhiên, Philippines đã chứng kiến sức mua của tiền lương giảm đáng kể, trong đó chi phí sinh hoạt lại tăng gần gấp đôi so với mức tăng tiền lương. Tình trạng suy giảm này có thể sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong năm 2023 khi các hộ gia đình tìm cách để duy trì cuộc sống trong bối cảnh ngân sách hộ gia đình eo hẹp.
Tiết kiệm hay không tiết kiệm?
Tiêu dùng cũng là một vấn đề trong câu hỏi bao nhiêu thu nhập được dành để tiết kiệm, và câu trả lời thường phụ thuộc vào mức lãi suất mà người tiêu dùng được hưởng. Lãi suất hoạt động theo cả hai cách. Lãi suất cao sẽ hạn chế người tiêu dùng đi vay (nghĩa là tiêu dùng nhiều hơn), đồng thời thúc đẩy tiết kiệm do thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm tăng lên.
Theo nghĩa đó, Philippines và Thái Lan có thể sẽ chứng kiến những thay đổi lớn nhất trong tiết kiệm toàn nền kinh tế, trong khi Malaysia sẽ chứng kiến ít thay đổi nhất. Biểu đồ 13 cho thấy chênh lệch lãi suất điều hành vào cuối năm 2023 (dự báo của HSBC) và lãi suất điều hành trước đại dịch trên toàn ASEAN. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia - BNM) có thể sẽ bình thường hóa lãi suất về mức trước đại dịch, trong khi các ngân hàng trung ương còn lại có thể tăng lãi suất đủ cao để thực hiện chính sách tiền tệ tương đối hạn chế nhằm kiềm chế nhu cầu. Đứng đầu danh sách là Philippines. HSBC kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas - BSP) sẽ tăng lãi suất lên mức cao thêm 250 điểm cơ bản so với mức trước đại dịch, điều đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động vay và tiêu dùng nói chung.
Thật vậy, các nền kinh tế ASEAN có khả năng áp dụng chính sách tiền tệ theo hướng hạn chế là những nền kinh tế đã chứng kiến tỷ lệ tiết kiệm trên toàn nền kinh tế của họ giảm trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, ngoại trừ Singapore. Việc giữ lãi suất cao sẽ là cần thiết để đưa tỷ lệ tiết kiệm trở lại mức trước đại dịch, nhằm thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô - nhưng phải trả giá bằng hấp thu trong nước thấp đi, do khả năng chi tiêu tiêu dùng giảm, khi thanh khoản bị vắt kiệt trong nền kinh tế.
Ngay cả ở cấp hộ gia đình, tỷ lệ tiết kiệm ở một số nền kinh tế có thể đã giảm xuống. Các hộ gia đình có thể đã rút hết tiền tiết kiệm do nhu cầu bị dồn nén được giải phóng khi nền kinh tế "mở cửa trở lại" hoặc để đối phó với tình hình chi phí sinh hoạt cao hơn (do sức mua của người lao động giảm sút). Ví dụ, dựa trên các cuộc khảo sát hộ gia đình, các hộ gia đình ở Philippines ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc dành một phần thu nhập để tiết kiệm.
Có một quan sát thú vị ở Indonesia, mặc dù nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén đã được giải phóng, tiết kiệm tài chính của các hộ gia đình vẫn tăng vào năm 2022, nhưng với một sự khác biệt, đó là chuyển từ tiền gửi sang đầu tư vào trái phiếu dài hạn. Đây là chính là mấu chốt vấn đề. HSBC tin rằng các nhà hoạch định chính sách đã có những động thái phù hợp để giữ cho tỷ lệ tiết kiệm không giảm quá mạnh, điều nếu xảy ra sẽ góp phần khiến vị thế bên ngoài yếu đi. Họ bắt đầu sau nhiều thị trường mới nổi khác nhưng cuối cùng đã tăng lãi suất điều hành thêm 225 điểm cơ bản, đẩy lãi suất thực vào vùng trung lập. Đổi lại, lãi suất cao đã giúp khuyến khích tiết kiệm hộ gia đình (tiết kiệm không giảm mặc dù nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén được giải phóng tăng mạnh. Và, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi vẫn còn thấp đã hạn chế lãi suất tiền gửi, chuyển tiền tiết kiệm sang trái phiếu chính phủ, qua đó hỗ trợ thị trường trái phiếu.
Philippines và Thái Lan có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi các ngân hàng trung ương của họ tương đối nghiêng về xu hướng kiềm chế lạm phát thấp để đưa tỷ lệ tiết kiệm trên toàn nền kinh tế tăng trở lại, tạo ra sự cân bằng giữa tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô. Xu hướng thể hiện rõ hơn ở Philippines so với Thái Lan vì triển vọng của Thái Lan về cả tiêu dùng và sự ổn định nhiều khả năng sẽ được củng cố nhờ sự phục hồi của ngành du lịch.
Ở một mức độ thấp hơn, Indonesia cũng có thể sẽ chứng kiến tiêu dùng giảm bớt khi các cơ quan tài chính giảm trợ cấp dầu mỏ, trong khi các cơ quan tiền tệ giữ lãi suất cao. Tuy nhiên, sự gia tăng của tiền lương thực tế, được hỗ trợ bởi sự bùng nổ của ngành tài nguyên, khoáng sản trong năm 2022, sẽ mang lại sự hỗ trợ vốn rất cần thiết.
Tất cả các dữ liệu cho thấy Philippines chậm lại nhiều nhất, một tin không mấy thuận lợi cho một nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng cá nhân (khoảng 70% GDP). Tuy nhiên, các điều kiện cơ bản của Philippines cũng sẽ giúp tiêu dùng hộ gia đình ổn định hoặc ít nhất là đặt ra ngưỡng sàn thấp nhất mà tiêu dùng có thể chậm lại. Ví dụ, Philippines sở hữu một trong những đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi nhất. Tỷ suất sinh ở Philippines cao nhất ASEAN ở mức 2,7, trong khi độ tuổi trung bình chỉ là 25 tuổi. Do đó, tiêu dùng có thể sẽ chậm lại nhưng không rơi tự do do dân số trong độ tuổi lao động gia tăng.
Kiều hối từ những người lao động ở nước ngoài, thường chiếm hơn 8% GDP, cũng có thể giúp cân bằng thu nhập và tiêu dùng ở một mức độ nào đó. Kiều hối thường tăng lên ở Philippines trong những giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn, kiều hối tính bằng PHP đã tăng trưởng đáng kể so với xu hướng năm 2022 trong bối cảnh lạm phát hiện tại đang ở mức cao nhất trong vòng 14 năm đổ lại. Với việc mở cửa biên giới trong năm nay, số lượng người lao động Philippines ở nước ngoài có thể sẽ tiếp tục tăng, đảm bảo dòng kiều hối ổn định giúp các gia đình ở quê nhà đối phó với những thách thức của năm 2023.
Có thể bạn quan tâm