Các doanh nghiệp có nền tảng dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc tiên phong nhận nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và các ngành nghề, lĩnh vực.
Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được Bộ Chính trị ban hành với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn, có tính cách mạng, được xem như Nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp cách đây 40 năm.
Từ nay, chuyển đổi số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá; đồng thời mở ra nhiều cơ hội lớn thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Tại lễ phát động giải thưởng Sao Khuê năm 2025 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA cho biết: với những nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc được tôn vinh tại giải thưởng Sao Khuê, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong nhận nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, từ giải thưởng Sao Khuê, mỗi năm có từ 150 - 180 nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ được vinh danh. Gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm những sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, bao gồm cả doanh nghiệp SMEs và các tập đoàn công nghiệp.
Từ 9 nhóm giải thưởng Sao Khuê, rất nhiều nền tảng, giải pháp “make in VietNam” được tìm kiếm, phát hiện và giới thiệu ứng dụng tại nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị.
Chẳng hạn, tại khu vực công, các giải pháp phục vụ quản lý xã hội, cung cấp dịch vụ cho người dân đã đem lại những sự phát triển đột phá, những tiện ích vượt trội như các dịch vụ công toàn trình hàng ngày giải quyết hàng trăm ngàn hồ sơ. Hay các giải pháp phát triển thành phố thông minh tại các địa phương giúp cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước và cung ứng dịch vụ cho người dân một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ được giải thưởng Sao Khuê không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà đã được xuất khẩu thành công sang một số thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt, ngành công nghệ thông tin Việt Nam những năm gần đây ghi nhận sự trở lại của không ít doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm sau nhiều năm “go global”.
Với kinh nghiệm, tri thức và kỹ năng tích luỹ nhiều năm tại các nước phát triển, các doanh nghiệp này đã phát triển các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại như AI, IoT… tham gia giải quyết những bài toán mà nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đặt ra, góp phần gia tăng doanh thu cho ngành cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam.
Ông Lê Quang Minh - Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết thêm, không chỉ các doanh nghiệp công nghệ số mà nhiều doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị và địa phương đang chuyển mình theo sự phát triển của công nghệ, không ngừng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, quản lý và phục vụ khách hàng, người dân theo hướng nhanh hơn, hiện đại hơn, minh bạch hơn trên nền tảng số.
Trong nhiều giải pháp công nghệ được ghi nhận, có các giải pháp tuy không được thương mại hoá, chỉ phục vụ nội bộ doanh nghiệp nhưng có sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng và xã hội. Chẳng hạn, giải pháp công nghệ được ứng dụng trong ngành điện có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu của hàng triệu khách hàng. Chỉ riêng thành phố lớn như Hà Nội, giải pháp công nghệ đã mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho khoảng 2,9 triệu khách hàng, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như sự hài lòng của khách hàng.