Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan tới dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, ngày 13/6/2023.
>>TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Đẩy mạnh đầu tư công trên cơ sở nào?
Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài gần 32 km, qua 7 quận, huyện: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh. Công trình khởi công hồi tháng 2/2023 với tổng vốn 8.200 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và TP.HCM.
Theo đó, tại buổi giám sát, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, dự án đã được chuẩn bị từ rất lâu, đặc biệt khâu giải toả, bồi thường đến nay đã 20 năm. "Kiểm tra thực tế để thấy việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện của UBND các quận, phường, xã có liên quan và hoạt động trực tiếp của ban quản lý dự án, những công việc cụ thể của sở, ngành liên quan đã triển khai như thế nào, có vướng mắc không", Bí thư Thành ủy nói.
Theo ông Nên, qua kiểm tra thực tế công trình, các đơn vị đang thi công đảm bảo tiến độ. Do vậy, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần rút ngắn thời gian thi công để hoàn thành dự án. Quá trình triển khai nếu có vướng mắc, các đơn vị phải chủ động báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết, thay vì thông qua các văn bản, thủ tục làm kéo dài thời gian.
Cũng theo Bí thư Thành uỷ thành phố, dự án được sự ủng hộ, trông chờ của người dân suốt 20 năm qua, bởi khi hoàn thành giúp giảm ô nhiễm, chống ngập cho lưu vực gần 15.000 ha xung quanh. Công trình cũng góp phần kết nối giao thông nhờ hai tuyến đường xây dọc bên và đường thuỷ qua các địa phương lân cận.
"Người dân ủng hộ càng cao thì trách nhiệm của chúng ta càng lớn, phải đáp ứng được sự mong mỏi đó", ông Nên nhấn mạnh.
Song để đẩy nhanh tiến độ, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng dự án xây dựng hạ tầng tuyến kênh quy mô lớn, nhiều yếu tố khó khăn có thể đến. Do đó, việc triển khai cần có thứ tự ưu tiên, trong đó hạn chế tối đa ảnh hưởng đời sống người dân. "Các quận huyện cần tập trung vận động người dân ủng hộ, chia sẻ một số khó khăn trước mắt khi xây dựng công trình nhằm đảm bảo tiến độ".
Đồng thời, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cải tạo kênh dài nhất thành phố trước 30/4/2025, sớm hơn 8 tháng so với kế hoạch.
>>Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Chính thức chốt ngày khởi công sau gần 2 năm chuẩn bị
Nêu những khó khăn trong quá trình triển khai, ông Bùi Thanh Tân - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị thành phố (chủ đầu tư), cho biết dự án có 10 gói thầu chính, trong đó 9 gói có mặt bằng sạch. Trên công trường hiện các nhà thầu đã đồng loạt huy động nhân sự, tập kết thiết bị cùng vận chuyển cấu kiện, vật liệu phục vụ thi công các hạng mục xây kè, cống, xử lý nền...
Tuy nhiên, quá trình thi công gặp một số khó khăn như bức tường tại bãi rác Gò Cát (Gò Vấp) sát ranh dự án đã xuống cấp, dễ đổ sập và ảnh hưởng quá trình vận chuyển vật liệu. Công trình cũng gặp vướng mắc về pháp lý liên quan bãi tiếp nhận bùn, đất dư từ quá trình nạo vét, thi công... Ngoài ra, dự án còn một gói thầu qua địa bàn quận 12 và Gò Vấp chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư kiến nghị cấp thẩm quyền sớm giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Tân, khu vực này đang xuống cấp và rất dễ xảy ra sụp đỗ trong quá trình thực hiện dự án. Vì thế, ban quản lý dự án đã có công văn sở Sở TN&MT xin giao đất bổ sung mở rộng đường giao thông khu vực tiếp giáp với bãi rác.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn gặp khó khăn về thủ tục pháp lý liên quan đến việc bãi tiếp nhận bùn, đất dư từ quá trình nạo vét và thi công dự án. "Ban quản lý dự án đã chủ động liên hệ với các quận Gò Vấp và Bình Tân để tập kết về các vị trí phù hợp. Tuy nhiên, ban quản lý dự án vẫn cần các cơ quan chức năng liên quan, hướng dẫn thủ tục thực hiện", ông Tân nói.
Song song đó, ông Tân kiến nghị, UBND TP cho phép tháo gỡ bức tường rào tại bãi rác Gò Cát để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công các hạng mục của dự án tại khu vực tiếp giáp bãi rác Gò Cát. Đồng thời, kiến nghị công ty dịch vụ công ích trên địa bàn các quận có dự án đi qua cần thu gom rác trên phạm vi bờ kênh Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Đánh giá về năng lực chủ đầu tư và các nhà thầu, ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP HCM, nhận xét, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan đã tập trung phối hợp, đảm bảo tiến độ dự án. Việc giải ngân cho công trình cũng đảm bảo kế hoạch vốn được giao, dự kiến đạt tỷ lệ 100% vào cuối năm nay. Chính quyền thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc để đảm bảo công trình được triển khai thuận lợi.
Trước đó, ngày 23/2/2023, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).
Dự án đi qua bảy quận, huyện của TP.HCM, có tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.200 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách TP là 4.200 tỉ đồng.
Đây là dự án trọng điểm thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 kết hợp cùng các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát; lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến triển khai trong thời gian tới.
Dự án sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng thoát nước cho khu vực phía Tây và phía Bắc TP, cải tạo môi trường, kết nối giao thông, phát triển kinh tế - xã hội cho TP.HCM cũng như những khu vực lân cận.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP HCM. Dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng tuyến kênh được thực hiện với quy mô làm kè bêtông hai bờ, nạo vét lòng kênh và làm đường rộng 7-12 m mỗi bên. Dọc tuyến được xây ba cây cầu, 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh... Trong đó, giai đoạn 1, dự án đã triển khai cách đây 21 năm với việc giải phóng mặt bằng và nạo vét, đắp bờ đất hai bên, xây dựng cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh xung quanh. Giai đoạn 2 của dự án bị chậm trễ do thiếu vốn, khiến kênh ô nhiễm nghiêm trọng. Đến năm 2021, dự án được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, kết hợp vốn của Trung ương và TP.HCM với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Đến tháng 2/2023, dự án được tái khởi động lại và dự kiến hoàn thành năm 2025 với mục tiêu cải thiện môi trường, kết nối giao thông, thoát nước cho gần 15.000 ha với hơn 2 triệu dân trong khu vực. |
Có thể bạn quan tâm
11:11, 22/05/2023
20:15, 20/03/2023
02:16, 22/11/2022
20:00, 16/08/2022
09:00, 02/08/2022