Phương án 1 sẽ làm 5 dự án theo kiểu mở rộng và nâng cấp; Phương án 2 làm đường trên cao với 5 dự án, gồm: QL13, QL1, QL22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên.
Áp dụng Nghị quyết 98
Đây là 5 dự án được nghiên cứu trên cơ sở áp dụng Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù đối với TPHCM. Đặc biệt, đây cũng là nội dung được Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm kết luận sau khi chủ trì cuộc họp về tình hình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho 5 dự án BOT đường hiện hữu (áp dụng Nghị quyết 98).
Đáng chú ý, ngoài phương án mở rộng 5 dự án BOT đường hiện hữu tại TPHCM, cơ quan chức năng cũng tính toán, nghiên cứu thêm phương án làm đường trên cao.
Về kế hoạch thực hiện, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đã yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu các quy hoạch liên quan để làm cơ sở đề xuất các phương án kỹ thuật, kịch bản thu phí để hoàn chỉnh báo cáo.
Theo thông tin từ Sở GTVT TPHCM, 5 dự án ban đầu dự kiến làm theo kiểu mở rộng và nâng cấp. Còn hiện tại tính toán thêm phương án đường trên cao (5 dự án thuộc quốc lộ 13, quốc lộ 1, quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên). Hiện, Sở GTVT đã tham mưu, đề xuất và được cập nhật phương án này vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM. Do đó, nếu tiến độ điều chỉnh quy hoạch chậm, các dự án có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhanh chóng hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ 5 dự án đường trên cao.
Nêu lý do và cơ sở thực hiện các phương án thực thực hiện 5 dự án nêu trên, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết mục tiêu của các dự án là cải thiện khả năng thông hành, phục vụ của các đường hiện hữu, giải quyết tình trạng quá tải, kẹt xe. Do đó, Sở GTVT đã đề nghị đơn vị tư vấn cần so sánh, đánh giá kỹ mức độ cải thiện giao thông sau khi dự án hoàn thành. Trong đó, đối với việc khảo sát, dự báo lượng giao thông cho năm tương lai cần phải lưu ý để làm kỹ và đúng quy định. Trong đó, xác định trên số liệu khảo sát, dự báo về thu hút và phát triển hạ tầng giao thông khu vực, quy hoạch đất có liên quan để đảm bảo chặt chẽ.
"Phương án thiết kế theo kiểu đường trên cao hay đi bằng, các nút giao, vận tốc… tất cả phải được tính toán, phân tích và so sánh kỹ để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của dự án", ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, ngoài ra, Sở GTVT TPHCM đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức quan tâm chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan hỗ trợ trong việc rà soát và cung cấp các thông tin bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án.
Ông Lâm cho biết thêm, cùng với phương án làm 5 dự án BOT hiện hữu nêu trên, Sở GTVT TPHCM cũng nghiên cứu chuyển đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) thành đường trên cao để kết nối đồng bộ. Tương tự là quốc lộ 22 nối Trường Chinh - Cộng Hòa dài 11,2km với quy mô 4 làn xe. Số vốn đầu tư của dự án khoảng 11.900 tỉ đồng (khoảng 800 tỉ đồng tiền mặt bằng) theo hình thức PPP và được đầu tư bố trí bổ sung kế hoạch dự án trong năm 2025.
Xoá điểm “nghẽn” kẹt xe
Phân tích về sự cần thiết làm đường trên cao đối với TPHCM, TS Nguyễn Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM, cho rằng: TPHCM là trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất của cả nước, là cửa ngõ của 13 tỉnh ĐBSCL thì việc làm đường trên cao đáng lý ra phải được thực hiện từ lâu. Nếu so sánh với Hà nội thì hiện nay Hà nội cơ bản đã có đường trên cao, đường vành đai kết nối để về các tỉnh thành. Trong khi đó, TPHCM đến nay vẫn chưa có tuyến đường nào là hết sức thiệt thòi. Chưa kể, TPHCM có tốc độ phát triển nhanh về nhiều mặt, như: dân số và phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông… nhưng cơ sở hạ tầng giao thông chưa tương xứng, hạ tầng giao thông chưa hình thành theo đúng quy hoạch. Do đó, việc TPHCM thực hiện 5 dự án đường trên cao để xoá điểm nghẽn về ùn tắc giao thông là hết sức cần thiết.
Cũng theo TS Thuận, nếu căn cứ theo số liệu thông kê, mật độ đường giao thông đầu năm 2021 của TPHCM là 2,2km/km2, cuối năm 2023 là 2,38km/km2, theo quy chuẩn là từ 10 - 13km/km2. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đầu năm 2021 là 12,2%, cuối năm 2023 là 13,88%, nhưng theo nghị định 11/2010/NĐ-CP phải đạt 24 - 26%. Do đó, để giải quyết bài toán căn cơ, TP.HCM phải khẩn trương hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối đang triển khai, như: Vành đai 3, nâng cấp đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa, mở rộng đường Phạm Văn Bạch...
Đồng thời, có các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư và đang chuẩn bị làm như: mở rộng đường Trường Chinh (từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ), dự kiến khởi công và hoàn thành trong giai đoạn năm 2026 – 2030 cũng cần đẩy nhanh tiến độ.
Song song đó, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện phương án tiền khả thi đối với 5 dự án đường trên cao theo cơ chế đặc thù (áp dụng nghị quyết 98), là hết sức quan trọng.
Chia sẻ những áp lực về tình trạng kẹt xe ở TPHCM, ông Bùi Hoà An - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết nếu đem khoảng 10 triệu xe TP.HCM đang quản lý xếp trên mặt đường thì phải mở rộng những con đường hiện hữu lên gấp 2,5 lần mới đủ. Do đó, các tuyến đường trên cao là bước tiến lâu dài và sẽ được rà soát, kịp thời điều chỉnh phù hợp từng giai đoạn.
Cũng theo ông Bùi Hoà An, hiện nay nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng, đường sá quá tải, kẹt xe.
“Trong bối cảnh nhiều dự án giao thông chưa thể làm vì gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng, thì làm đường trên cao là một trong những cách mà TPHCM đang nghiên cứu phát triển trong tương lai”, ông Bùi Hoà An nhấn mạnh.