Tư duy mới cho mô hình kinh tế mới

Huyền Trang 13/04/2019 11:02

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM khẳng định: Không có mô hình kinh tế mới nào không mang lại vấn đề hay kèm theo “mặt trái” nhưng quan trọng là ứng xử như thế nào?

Thay vì đưa ra biện pháp ngăn cấm hay hạn chế một cách đơn giản và thô bạo, thì đã đến lúc các nhà lập pháp dùng tư duy mới mẻ hơn trong việc tiếp cận với cái mới. Đồng thời, phải tạo lập ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, lành mạnh hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý Uber-Grab thế nào?

    05:56, 08/03/2019

  • Kinh tế chia sẻ nhìn từ sự xuất hiện của Uber-Grab

    06:30, 06/02/2019

  • "Để quản lý tốt Uber-Grab, nên tách bạch kinh tế chia sẻ và kinh tế nền tảng"

    11:03, 01/11/2018

  • Taxi truyền thống, Uber-Grab và "cuộc chiến pháp lý" thời 4.0

    17:57, 23/09/2018

  • Từ Uber-Grab... đến chính sách cho mô hình kinh tế chia sẻ

    06:35, 05/09/2018

Tại Dự thảo lần 8, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, Bộ Giao thông vận tải vẫn bảo lưu quan điểm coi taxi công nghệ sẽ được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải và phải đeo mào. Ông nghĩ sao về những quy định này?

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục sai lầm khi “siết chặt” các hình thức kinh doanh nền tảng. Tương tự như Uber-Grab, các mô hình kinh doanh nền tảng đang xuất hiện ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như du lịch, kinh doanh… Bộ Giao thông vận tải có thể cấm được “hiện tượng” điển hình là Uber-Grab chứ có thể ngăn cản được một xu hướng kinh doanh mới hay không? Tôi khẳng định chắc chắn là không.

Kinh doanh theo kiểu Uber hay Grab là phương thức hoàn toàn mới, sẽ làm thay đổi các quan hệ giao dịch hiện có, tạo ra cân bằng cung cầu và giá dịch vụ được xác định dựa trên phân tích cung cầu. Các nền tảng kinh doanh này cũng sẽ giúp giảm chi phí, thậm chí đưa chi phí giao dịch về bằng 0, mang lại lợi ích to lớn cho người dùng, thúc đẩy sự phát triển về mặt kinh tế. Vậy chúng ta có lý do gì để siết chặt nó?

Những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích phát triển mạnh, có thể phải chịu những rào cản kỹ thuật nào đó, nhưng chúng ta không vì thế mà “siết chặt”.

Bộ Giao thông vận tải tiếp

Bộ Giao thông vận tải tiếp tiếp tục sai lầm khi “siết chặt” các hình thức kinh doanh nền tảng.

- Nhưng rõ ràng, Dự thảo Nghị định này vẫn có những điểm mới như: Phân định rõ hơn sự khác biệt giữa xe hợp đồng và xe taxi, taxi được sử dụng phần mềm để tính tiền…?

Đúng vậy, dự thảo lần này đã có một số sửa đổi nhất định. Nhưng chúng ta cần phải đặt một câu hỏi ngược lại rằng, những sửa đổi đó có mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, có thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp không, có đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước không? Tôi khẳng định là không. Vậy thì những sửa đổi này có ý nghĩa gì?

Tạm bỏ qua những sửa đổi kỹ thuật đó, trong câu chuyện này, điều tôi muốn nhấn mạnh hơn cả là tư duy cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu của người làm chính sách. Đáng tiếc, dù mất hơn ba năm lấy ý kiến nhưng dự thảo lần này vẫn cho thấy tư duy không quản được thì cấm, không cấm được thì “siết chặt”.

Trước đây, chúng ta có thể lý giải cách thiết kế như vậy là do tâm lý sợ cái mới, ngại tiếp cận cái mới, hoặc chưa rõ về cái mới nhưng bây giờ, Uber-Grab đã du nhập vào Việt Nam được 6 năm, Dự thảo Nghị định 86 đã trải qua hơn 3 năm lấy ý kiến với hàng chục cuộc hội thảo và hàng chục, hàng trăm văn bản góp ý, tôi không tin là chúng ta còn chưa hiểu rõ về nó. Vậy tại sao chúng ta vẫn có gây khó cho doanh nghiệp bắng cách siết chặt họ? Phải chăng, bộ ngành đang “cố tình” bảo vệ lợi ích của mình?

Làm chính sách theo kiểu “dễ cho mình, khó cho người” như vậy chẳng những không tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước mà còn khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí.

- Nhưng rõ ràng, nút thắt lớn nhất ở đây là việc định danh các loại hình kinh doanh dựa trên ứng dụng nền tảng? Thưa ông?

Tôi không nghĩ như vậy! Như tôi đã nói, vấn đề quan trọng nhất nằm ở tư duy người làm chính sách chứ không phải ở việc định danh các loại hình kinh doanh. Rõ ràng rằng, các phương thức kinh doanh truyền thống đang chịu nhiều điều kiện kinh doanh hơn các phương thức công nghệ. Ai cũng hiểu, mục đích của Dự thảo là để các loại hình kinh doanh bình đẳng nhưng tại sao dự thảo không tiếp cận theo hướng bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh cho các phương thức kinh doanh truyền thống mà lại gắn thêm điều kiện kinh doanh cho các phương thức kinh doanh kiểu mới.

Thêm vào đó, dự thảo lần này “định danh” các phương thức kinh doanh dựa trên ứng dụng nền tảng như Go-Viet, Grab, FastGo … doanh nghiệp vận tải nhưng thật ra vận tải hay không vận tải không quan trọng nếu đi vào bản chất của kinh tế nền tảng.

Nếu buộc phải định danh các loại hình này, tôi cho rằng về bản chất cả Uber, Grab, Be, Go-Viet hay Mai Linh, Vinasun đều là loại hình dịch vụ kết nối. Điểm khác nhau duy nhất ở đây là phương thức kết nối giữa các hãng taxi. Nếu như các ứng dụng kinh doanh truyền thống như thống như Mai Linh, Vinasun… sử dụng phương thức kết nối truyền thống là bộ đàm thì Uber-Grab sử dụng hình thức kết nối là APP.

- Vậy theo ông dự thảo lần này sẽ phải sửa những gì? Những điều kiện kinh doanh nào sẽ phải cắt bỏ?

Điều quan trọng nhất phải sửa đổi trong dự thảo lần này là sự sửa đổi trong tư duy của người làm chính sách. Đã đến lúc các nhà lập pháp phải có một tư duy mới lành mạnh hơn, công bằng hơn khi thiết kế chính sách.

Đồng thời, phải cắt bỏ hoàn toàn những rào cản mang tính chất ràng buộc với các loại hình kinh doanh theo phương thức kinh doanh truyền thống phương thức truyền thống. Nếu có điều kiện nào phải giữ, thì đó đơn giản chỉ là những điều kiện không bắt buộc mà thôi.

Suy cho cùng, mục đích sâu xa của quản lý nhà nước là bảo vệ người tiêu dùng, muốn bảo vệ người tiêu dùng thì phải tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Từ đó, khuyến khích đổi mới sáng tạo, sau đó mới tính đến chuyện quản chất lượng dịch vụ.

Chúng ta lấy lý do đảm bảo đảm bảo an toàn cho người sử dụng để đưa ra các điều kiện kinh doanh siết chặt các mô hình kinh doanh kiểu mới. Nhưng có quá nhiều cách đảm bảo an toàn cho người dùng mà không cần đảm bảo an toàn mà không cần đến các điều kiện kinh doanh.

- Vậy Việt Nam cần làm gì để tạo ra một môi trường cạnh tranh đồng thời khuyến khích các mô hình kinh doanh thời 4.0?

Ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta đừng vì 1 hiện tượng khó quản lý mà ngăn cản những xu hướng kinh doanh mới. Trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường  cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống.

Đồng thời, bộ ngành phải đặt nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng lên trên quyền lợi của mình khi xây dựng chính sách, thì chúng ta mới có thể tạo ra được một môi trường kinh doanh Việt Nam bình đẳng, thận thiện.

Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống không nên sử dụng mô hình truyền thống để cạnh tranh với ngành nghệ kinh doanh áp dụng công nghệ mới. Do đó, các doanh nhân Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ cần phát huy những sáng kiến để tạo ra ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật để doanh nghiệp kinh doanh có cách làm mới, phát triển tốc độ nhanh, quy mô lớn, để Việt Nam không phải là con số 0 trên bản đồ thế giới về phát triển trí tuệ nhân tạo.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang và Cộng sự: Bộ Giao thông vẫn lúng túng trong việc quản lý kinh tế chia sẻ

Thời gian qua chúng ta đang “lúng túng” trong ứng xử với mô hình kinh tế chia sẻ. Công tác quản lý nhà nước đang không thay đổi kịp lối tư duy và nếp quản lý, nhưng cũng có phần vì chính sự ích kỷ của “nhóm lợi ích”, tức chỉ quan tâm đến cái tiện và cái lợi cho mình, dù là lợi ích ngắn hạn và mỏng manh.

Đương nhiên, Uber và Grab không chỉ đang đặt ra thách thức đối với cơ quan quản lý như Bộ Giao thông, mà còn với cả cộng đồng dịch vụ vận tải taxi. Thực tế này là bình thường trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều mà cả xã hội thấy thú vị và đáng cười hơn lại là cái cách ứng xử.

Thay vì hãy cứ để thử nghiệm tiếp nếu chưa hiểu và chưa chắc chắn thì người ta lại quy chụp cho nó cái mũ cũ được gọi là “taxi truyền thống”, để sau đó kéo nó xuống cái mặt bằng quản lý hiện hữu, vốn tiện lợi và quen thuộc hơn. Tóm lại, cái “bộ phận không nhỏ” cán bộ quản lý ấy không có ý định muốn đổi mới, chứ không phải cố đi mà không theo kịp.

Thêm vào đó, sự lúng túng cũng bắt nguồn từ sự tác động của nó đến những hoạt động tương tự, gần giống với những ngành nghề truyền thống khác. Chẳng hạn, ngành vận tải truyền thống sẽ bị mất đi một lượng khách hàng đáng kể bởi các nền tảng như Uber và họ phản ứng dữ dội ở cấp độ toàn cầu.

Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Đeo mào cho taxi công nghệ thể hiện tư duy ngược thời 4.0

Có thể nói, sự xuất hiện của Uber-Grab tại Việt Nam đang tạo ra thách thức quản lý với Bộ Giao thông vận tải nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung.

Công bằng mà nói để quản lý một mô hình mới như Grab không phải chuyện dễ. Trong trường hợp này, chúng ta hoàn toàn có thể mình quản lỏng nhưng không thể đẩy về cái cũ. Như vậy với đề xuất lần này coi như Bộ Giao thông vận tải đang biến các phương thức kinh doanh dựa trên kinh tế chia sẻ như Uber, Grab thành các phương thức kinh doanh truyền thống. Điều ngày hoàn toàn đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ, đẩy từ 4.0 về 0.4.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tư duy mới cho mô hình kinh tế mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO