Niềm cảm hứng về "giấc mơ ô tô Việt" đã được nhen nhóm từ rất lâu và từng có những giai đoạn tưởng chừng là viễn tưởng và xa vời khi người đi đầu là Vinaxuki "chết yểu".
Tuy nhiên, sau thời Vinaxuki chục năm trời, đã có một VinFast xuất hiện để viết tiếp và hiện thực hóa giấc mơ xe hơi của người Việt.
Công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) của người đàn ông đầy tâm huyết Bùi Ngọc Huyên chính thức được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam vào năm 2004.
Giai đoạn đầu Vinaxuki đi theo hướng lắp ráp, sản xuất xe thương mại (xe tải các loại) và gặt hái được nhiều thành công trên thị trường ô tô Việt Nam. Có thời, Vinaxuki là đối thủ cạnh tranh đáng kể so với Trường Hải và cũng là một trong số ít những công ty Việt Nam có mặt trong VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam). Các mẫu xe tải có tỷ lệ nội địa hóa trên 40% của Vinaxuki trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất nhì trên thị trường thời đó.
"Giấc mơ xe hơi Việt" chính thức bắt đầu khi đến những năm 2007, 2008, ông Huyên quyết tâm đầu tư sản xuất xe con "Made in Vietnam". Những chiếc xe dành cho người Việt với tiêu chí "xe tốt, giá rẻ". Và ngay từ ban đầu, ông đã xác định đi theo con đường tương tự như các cường quốc ô tô tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, nghĩa là đầu tư vào khâu học tập thiết kế, tiến tới tự sản xuất thân vỏ xe, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.
Dồn toàn bộ tâm huyết cho "giấc mơ ô tô Việt Nam", Chủ tịch Vinaxuki mạnh dạn vay vốn đầu tư công nghệ mới hiện đại, mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo nhân sự. Thời điểm cách đây 10 năm, vào những năm 2008, 2009 nhà máy sản xuất thân vỏ xe của Vinaxuki đã được trang bị máy cắt laser, máy cắt plasma, các quá trình đều tự động hóa dựa trên điều khiển của phần mềm máy tính và robot. Tuy nhiên, con đường nội địa hóa của Vinaxuki không được các doanh nghiệp trong ngành thời ấy đánh giá cao.
Đến năm 2012, chiếc xe hơi "Made in Vietnam" cũng đã được Vinaxuki cho ra đời và ra mắt công chúng lần đầu tiên tại triển lãm Giảng Võ (Hà Nội). Chủ tịch Vinaxuki khi ấy khẳng định, phần thân, vỏ đều do công ty của ông tự sản xuất và có tỷ lệ nội địa hóa lên đến trên 50%.
Trên thực tế, các mẫu xe con mang logo Vinaxuki chưa kịp đến tay khách hàng thì mọi chuyện dự tính của ông Huyên đã đổ vỡ. Vì vay những khoản vốn lớn để đầu tư công nghệ hiện đại. Mặt khác, trong giai đoạn đó diễn ra khủng hoảng kinh tế nên khoản nợ vay của Vinaxuki đã tăng lên đến hơn 1.400 tỷ đồng vào những năm 2012.
Các ngân hàng cũng dần không đặt niềm tin vào con đường nội địa hóa của ông Huyên, không tái cơ cấu các khoản nợ theo như chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất ô tô mà tiến hành bán nợ xấu. Điều này dẫn đến Vinaxuki không thể cầm cự và phải đóng cửa nhà máy sản xuất.
Mặc dù có cái kết buồn nhưng sự tâm huyết cũng như quyết tâm của ông Bùi Ngọc Huyên thực sự đã nhen nhóm và khởi nguồn cho giấc mơ xe hơi của người Việt.
Khoảng 10 năm sau kể từ những ngày đầu Vinaxuki nhen nhóm "giấc mơ ô tô Việt", một VinFast đã xuất hiện để viết tiếp câu chuyện và hiện thực hóa giấc mơ.
Với tiềm lực mạnh mẽ và vị thế của tập đoàn VinGroup, VinFast đã nhanh chóng đến gần với "giấc mơ ô tô Việt". Họ chọn con đường "đứng trên vai những người khổng lồ" và đầu tư mọi thứ để đẩy tốc độ nhanh chưa từng có ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Niềm tin về thương hiệu ô tô của Việt Nam, được VinFast khẳng định một cách "đanh thép" bằng những bước đi thần tốc và được đánh giá là chưa từng có trên thế thới. Chỉ sau 13 tháng kể từ ngày đặt những viên gạch đầu tiên khởi công dự án tại Cát Hải (Hải Phòng). Thương hiệu ô tô non trẻ vừa khai sinh tại đất nước Việt Nam nhỏ bé đã cất cánh bay ra thế giới khi mang hai mẫu xe đầu tiên của mình tham dự Paris Motor Show 2018 để thể hiện khát vọng vươn tầm quốc tế.
Sau hơn một năm, Tập đoàn VinGroup đã biến một bãi sình lầy khó xây dựng thành một tổ hợp nhà máy sản xuất VinFast với những công nghệ, trang thiết bị hiện đại bậc nhất trên thế giới được cung cấp từ các đối tác đến từ nước Đức và châu Âu.
Bên cạnh đó, bằng tầm nhìn, định hướng cũng như quyết tâm đầu tư mạnh mẽ, VinFast thực sự đang là "nơi tinh hoa hội tụ" của tri thức hàng đầu đất nước cũng như trên thế giới trong ngành ô tô. Có thể kể đến những cái tên đình đám như ông Võ Quang Huệ - cựu CEO của Bosch Việt Nam, ông James Deluca - cựu tổng giám đốc điều hành sản xuất toàn cầu của General Motors, ông David Lyon - cựu giám đốc thiết kế của General Motor châu Á - Thái Bình Dương, ...
Niềm tin về thương hiệu ô tô Việt càng được thể hiện mạnh mẽ khi bắt tay hợp tác với các "ông lớn" hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu như BMW, Bosch, Sienmens, ... Qua đó, năng lực thực thi của VinFast được giới tư vấn quốc tế đánh giá sẽ ngang hàng với các tên tuổi lớn trên thế giới như BMW hay Toyota.
Những người dân tại thủ đô Hà Nội thực sự đã được chạm tay vào niềm tự hào ô tô Việt "bằng da bằng thịt", khi hai "ngôi sao mới" của Paris Motor Show 2018 là VinFast LUX A2.0 và SA2.0 cộng với mẫu xe cỡ nhỏ Fadil được trưng bày và mở cửa tự do tại công viên Thống Nhất để phục vụ công chúng trong hai ngày 20 và 21/11/2018.
Sản phẩm ô tô của người Việt, do người Việt tạo ra thực sự đã tạo được niềm cảm hứng và lòng tự hào sâu rộng. Vẫn còn quá sớm để có thể nhận định VinFast thành công hay không nhưng doanh nghiệp này đã thực sự hiện thực hóa "giấc mơ ô tô Việt" và giúp người Việt Nam chạm tay vào giấc mơ từng là viển vông ấy.