Hãng thông tấn AFP đánh giá cao quyết tâm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi muốn bóng đá Việt Nam dự World Cup.
Cách đây 3 năm, Lễ khánh thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ (PVF) ở Văn Giang (Hưng Yên) từng khiến báo chí quốc tế xôn xao. Lần đầu tiên, một trung tâm đào tạo bóng đá tại Việt Nam mời được hai cựu danh thủ là Ryan Giggs và Paul Scholes làm cố vấn.
Trong bài viết mới đây, hãng thông tấn AFP (Pháp) tỏ ra vô cùng ấn tượng trước mục tiêu tham dự World Cup mà bóng đá Việt Nam đang thực hiện với trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo đó, AFP cho rằng vọng của PVF nói riêng và tham vọng của bóng đá Việt Nam nói chung được chắp cánh nhờ đường đi nước bước bài bản cùng lộ trình dài hạn.
"Chưa quốc gia Đông Nam Á nào từng góp mặt ở sân chơi World Cup, nhưng điều đó không khiến Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup nản lòng. Người đàn ông này đang đứng trước nhiệm vụ đưa quốc gia "cuồng bóng đá" như Việt Nam được dự World Cup lần đầu tiên.
Cơ ngơi trị giá 15 triệu USD do Vingroup xây dựng đã giúp bóng đá Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ, điển hình là chiến tích lọt vào tứ kết Asian Cup năm ngoái. Hai huyền thoại của Manchester United là Giggs cùng Scholes cũng được mời làm cố vấn PVF", bài báo nhận định.
Nội dung bài viết cũng nhắc đến cơ ngơi hiện với trang thiết bị tân tiến, bao gồm cả phòng giả lập 360S của PVF. AFP cho rằng đây nước đi táo bạo của ông Vượng - người từng khởi nghiệp với việc bán mỳ ăn liền ở Ukraine trước khi xây dựng đế chế kinh doanh trị giá 7,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, AFP cho rằng vẫn chưa thể khẳng định tương lai gần cho Việt Nam ở World Cup. Thành tích vô địch AFF Cup hay vô địch SEA Games, không khiến khoảng cách giữa Việt Nam và các đội tuyển hàng đầu châu lục thu hẹp lại.
Tuy nhiên, chuyên gia Steve Darby, cựu HLV tuyển nữ Việt Nam tin rằng World Cup 2026 sẽ là đích đến khả thi hơn cho "Rồng vàng", khi số đội được tăng từ 32 lên 48 đội.
"Tôi không nghĩ Việt Nam vượt qua vòng loại World Cup 2022, thay thế một trong những quyền lực châu Á như Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc để lấy một trong những tấm vé ít ỏi. World Cup 2026 là mục tiêu khả thi hơn.
Dù vậy, họ vẫn sẽ bị xem là đội "chiếu dưới". Mọi đội bóng Đông Nam Á dự vòng loại đều bị xem là đội yếu, xếp hạng hạt giống thấp. Việt Nam cần có thời gian để vươn lên nhóm đầu", AFP dẫn lời chuyên gia Steve Darby.
Cuối cùng, hãng thông tấn nổi tiếng của Pháp và thế giới khẳng định việc đào tạo trẻ tốt, nền bóng đá Việt Nam sẽ có chân đế vững vàng để rút ngắn khoảng cách với những nền bóng đá hàng đầu.
"Việt Nam vẫn phải kiên trì với quá trình phát triển hiện tại. Nhờ quá trình ấy, họ đã có vị trí thứ 94 trên bảng xếp hạng FIFA - cao nhất từ trước đến nay. Lứa cầu thủ trẻ của Việt Nam cũng rất hứa hẹn. Họ có lần đầu dự U20 World Cup hồi 2017.
Một năm sau, U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á. Các CĐV từ khắp nơi trên cả nước đã đổ ra đường để ăn mừng thành công của đội tuyển. Màn ăn mừng sẽ còn cuồng nhiệt hơn nữa nếu họ được dự World Cup", AFP kết luận.