Hiện Vinamilk đã nâng sở hữu tại GTNFoods lên mức 38,34%, thông qua việc mua 90.066.426 cổ phiếu GTN.
Đợt chào mua công khai cổ phiếu CTCP GTNfoods (HSX: GTN) của CTCP Sữa Việt Nam (HSX: VNM) chưa đạt được số lượng cổ phiếu sở hữu như mục tiêu, nhưng con đường phủ sóng thị trường sữa từ Nam tới Bắc của doanh nghiệp số 1 ngành sữa, đã được vạch rõ.
Hiện Vinamilk đã nâng sở hữu tại GTNFoods lên mức 38,34%, thông qua việc mua 90.066.426 cổ phiếu GTN. Vẫn còn gần 10% để đạt sở hữu GTNFoods ở mức 49% nhưng Vinamilk cơ bản đã hoàn tất mục tiêu thương vụ.
Nhắm đích chi phối
GTNfoods sở hữu 51% cổ phần của CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), qua nắm sở hữu chi phối Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam (Upcom: VLC, Vilico). Ngoài ra, bên cạnh Nhựa và Tre, danh mục sở hữu đầu tư của GTNfoods còn có nhiều mảng đầu tư mà các doanh nghiệp ngành tiêu dùng thèm muốn.
Trong đó, GTNfoods nắm gần trọn gói Tổng Công ty Chè Việt Nam-Vinatea, sở hữu liên kết tỷ lệ cao với CTCP Thực phẩm Lâm Đồng và CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn.
Sau 2016-2017, GTNfoods tái định vị 3 mảng hoạt động quan trọng là rượu – chè, sữa và điều. Theo đó, một bước nắm được GTNfoods, đồng nghĩa Vinamilk sẽ nắm được 3 mảng của ngành hàng tiêu dùng đang có nhiều dư địa tăng trưởng.
Không lạ khi Vinamilk- đại gia số 1 ngành sữa, chào mua công khai GTNfoods. Bởi ở thị trường miền Bắc, Hanoi Milk và Mộc Châu Milk của GTNfoods đang được các đại gia sữa cùng nhau “dòm ngó”.
38,34%
là tỷ lệ sở hữu của Vinamilk tại GTNFoods sau khi đã mua 90.066.425 cổ phiếu GTN của GTNFoods trong thời gian vừa qua.
Một chuyên gia đầu tư cho rằng, với tỷ lệ sở hữu hiện tại, Vinamilk đã trở thành cổ đông lớn của GTNfoods, và sự phân mảnh sở hữu ở GTNfoods còn lại cũng sẽ khiến việc cạnh tranh với Vinamiik sẽ không có nhiều ý nghĩa. Nói cách khác, khi không có lực cạnh tranh ở thị trường M&A cổ phiếu GTN, đặc biệt trong một bối cảnh chứng khoán còn bất định, Vinamilk sẽ không cần vội vàng trả bất cứ giá nào để nâng tiếp tỷ lệ sở hữu tại GTNfoods.
Có thể bạn quan tâm
22:04, 07/06/2019
11:08, 05/06/2019
21:29, 01/06/2019
Win- win cho Vinamilk và Mộc Châu Milk
Việc nhắm GTNfoods của Vinamilk, theo như bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk từng chia sẻ tại ĐHCĐ vừa qua là: “Muốn cạnh tranh quốc tế, chúng ta phải ngồi lại với nhau, tạo thành bó đũa không thể bẻ gãy được”.
Bó đũa ở đây, chính là sự hợp nhất sức mạnh từ những gì mà Vinamilk đang có cùng những lợi thế của GTNfoods. Cụ thể với sữa, Mộc Châu Milk có lợi thế lịch sử hơn 60 năm, có đàn bò khoảng 24.000 con, 2 nhà máy chế biến và đóng gói hiện đại với tổng công suất lên tới 50 tấn sữa/ngày. Nếu so với Vinamilk, thì quy mô của Mộc Châu Milk vẫn còn khá khiêm tốn. Song về dài hạn, việc có được vùng nguyên liệu Mộc Châu nổi tiếng, sẽ giúp Vinamilk sẽ có điều kiện phát triển thị trường, đặc biệt cung cấp các sản phẩm cần có vùng nguyên liệu và nhà máy trong khoảng cách gần như sữa tươi, sữa thanh trùng…
Chuyên gia Tư vấn Chiến lược Đỗ Thanh Năm cho rằng, thương vụ M&A này là bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Vinamilk trong cuộc đua giữ thị phần, củng cố vị thế số 1 trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại thị trường nội địa.
Cũng theo ông Năm, tại thị trường phía Bắc và Bắc Trung Bộ, các doanh nghiệp ngành sữa quy mô đứng sau Vinamilk và đang cùng chia sẻ thị phần như IDP, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Hanoi Milk…đều có lợi thế vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất đóng đô tại địa bàn. Do đó, dù thị phần lớn, năng lực sản xuất mạnh, hệ thống phân phối và khả năng bán hàng tốt, nhưng Vinamilk cũng vẫn khó nắm giữ mảng miếng vững chắc nếu không bổ sung mảnh ghép đang thiếu – mà Mộc Châu Milk chính là mảnh khép vừa khít.
Bà Lê Thị Hồng Liên, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng Việt Nam đánh giá, nếu đi được cùng nhau, với lợi thế của doanh nghiệp số 1 trong ngành, sở hữu năng lực tài chính cùng quản trị chuẩn mực, có mạng lưới phân phối và bán hàng rộng khắp cũng như thị trường xuất khẩu tốt, Vinamilk hoàn toàn có thể trở thành “người khổng lồ” để Mộc Châu Milk đứng trên vai và lớn lên hơn. Trong khi đó, nếu không có Vinamilk, cuộc đua ngành sữa với đại gia “lắm tiền nhiều chiêu thức” cũng có thể gây sức ép lên GTNfoods và Mộc Châu Milk. “Chiến lược M&A theo đó là con đường hữu hiệu để Vinamilk và GTNfoods cùng thắng”, bà Liên nói.
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm Theo dự báo của giới chuyên gia, ngành sữa sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân 5%/ năm trong những năm tới. Đây chưa phải mức tăng trưởng bão hòa khi nền kinh tế có nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sữa muốn đạt được sự đột phá, lại phải có những cột mốc thay đổi. Chẳng hạn với Vinamilk, theo đánh giá của BVSC, hiện nay, Vinamilk đã đứng đầu ngành với thị phần nói chung lên đến 60%, nên việc duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn trước đây là điều rất khó. Do đó, Vinamilk đã và sẽ tiếp tục cân nhắc các giải pháp về M&A và xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng. Việc chào mua công khai GTNfoods được xem là những bước đầu trong việc tiếp tục củng cố vị thế của VNM tại thị trường trong nước. Việc gia nhập thị trường sữa của những ông lớn như CocaCola hay Masan, cũng hứa hẹn sẽ tạo ra thị trường sữa cạnh tranh khốc liệt, nhưng thú vị khi sản phẩm trên thị trường có thể ngày càng được đa dạng hóa, xuất phát từ lợi thế các ngành hàng lõi mà những doanh nghiệp này đang có. Tốc độ tăng trưởng của 1 số ngành hàng có “dính dáng” đến sữa như trà sữa, với con số 20% (theo Euromonitor) và quy mô ban đầu đã đạt xấp xỉ 300 triệu USD, theo đánh giá của giới chuyên môn, đang “gợi ý” hướng rẽ lối của các doanh nghiệp với các sản phẩm thức uống dinh dưỡng, giải khát gốc sữa. Lại 1 lần nữa, tầm nhìn của Vinamilk khi bắt tay cùng GTNfoods có có lợi thế chè, cho thấy hướng trông rộng để sản xuất các sản phẩm trải đều các phân khúc và hướng đến nhóm khách hàng trẻ, bổ sung cho rổ sản phẩm mà Vinamilk đang nỗ lực làm mới. |