Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành

Lan Vũ 30/10/2019 15:17

Khu kinh tế Thái Bình sẽ được xây dựng và phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình (Thái Bình) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

KKT Thái Bình sẽ được xây dựng và phát triển để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình. Sẽ quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có năng suất chất lượng cao; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Đô, Nam Thịnh, Nam Hưng; đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá…

KKT Thái Bình bao gồm 30 xã, một thị trấn thuộc huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải

KKT Thái Bình bao gồm 30 xã, một thị trấn thuộc huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải

Theo quy hoạch, KKT Thái Bình bao gồm 30 xã, một thị trấn thuộc huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển với tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha.

Đến năm 2040, đất xây dựng của KKT khoảng 21.000ha. Trong đó, đất công nghiệp – đô thị - dịch vụ, KCN, CCN khoảng 8.020ha với tổng cộng 27 khu công nghiệp; đất khu dân dụng đô thị khoảng 3.000ha; đất khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 3.110ha; khu cảng biển với các khu bến khoảng 500ha. Dân số là 300.000 người, trong đó đô thị là 210.000 người, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.

Các ngành công nghiệp chủ đạo là công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô; ngành thời trang; công nghiệp khai thác và chế biến khí; công nghiệp dịch cụ hậu cần cảng biển; công nghiệp hành không; chế biến nông thủy hải sản…

Trước đó, tại Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Thái Bình đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình của tỉnh giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.

Ông Nguyễn Hồng Diên – Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: "Không thu hút các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vào KKT. Hạn chế dùng ngân sách để hỗ trợ đầu tư. Nếu cần ngân sách hỗ trợ đầu tư thì ưu tiên tập trung vào hạ tầng giao thông và hạ tầng xử lý chất thải, ngân sách còn lại tập trung vào an sinh xã hội. Việc giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương".

KKT Thái Bình sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp (golf, casino).

Ngoài ra, KKT còn phát triển các sản phẩm kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan rừng ngập mặn và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của KKT. Du lịch KKT sẽ được kết nối với các hành trình du lịch nổi tiếng trong vùng bằng đường thủy, đường biển, đường hàng không, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hiện đại, đẳng cấp tại các khu vực Cồn Đen, Cồn Vành…

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng trăm hộ dân đòi lại đất đã cho thuê tại Thái Bình: Quyết định giao đất “thần tốc”?

    Hàng trăm hộ dân đòi lại đất đã cho thuê tại Thái Bình: Quyết định giao đất “thần tốc”?

    05:20, 29/10/2019

  • Thái Bình: Người dân bị lừa cho thuê đất… rồi mất trắng?

    Thái Bình: Người dân bị lừa cho thuê đất… rồi mất trắng?

    04:50, 28/10/2019

  • Thái Bình: Doanh nghiệp sản xuất đình trệ vì bị chặn cổng

    Thái Bình: Doanh nghiệp sản xuất đình trệ vì bị chặn cổng

    08:00, 26/10/2019

KKT Thái Bình có vị trí thuận lợi, nằm ở gần các đầu mối giao thông quan trọng của vùng, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 40km, cảng biển Hải Phòng khoảng 30km và tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa của quốc gia; nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trong thời gian tới, KKT Thái Bình sẽ phát triển mạnh hơn khi 3 công trình hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia và vùng được hoàn thành, bao gồm đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh dài 160km nối liền các tỉnh duyên hải Bắc Bộ với trục đường cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và đường sắt ven biển dài 120km đi qua Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

KKT Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 31/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1089/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO