8h ngày 22/2 (29 tháng giêng âm lịch) sẽ khai mạc Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ lần thứ III- năm 2020 với chủ đề “Trà hoa vàng- Danh trà đất Việt”.
Lễ hội có nhiều hoạt động như trưng bày cây trà hoa vàng, giao lưu, trưng bày các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của địa phương năm 2020. Khách du lịch sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các cây trà hoa vàng Ba Chẽ; thưởng thức, dùng thử các sản phẩm từ cây trà hoa vàng Ba Chẽ; trải nghiệm các cảm giác được hòa mình trong sắc hoa trà và các cánh đồng hoa cải của Ba Chẽ.
Trong khuôn khổ chương trình, ngày 23/2 Ba Chẽ sẽ diễn ra lễ hội Bàn Vương với chủ đề “Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển” với mục đích xây dựng và bảo tồn văn hóa người Dao.
Theo ông Nguyễn Công Quyền, phó chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, điểm mới của lễ hội Trà hoa vàng năm 2020 được tổ chức không chỉ nhằm mục đích quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thế mạnh của huyện Ba Chẽ trong việc phát triển cây Trà hoa vàng, một trong những cây trà thảo dược có nhiều tính năng chữa trị bệnh, được các nhà chuyên môn của Việt Nam và thế giới công nhận. Lễ hội lần này sẽ thực hiện việc Công bố về công dụng của các hoạt chất có trong trong Trà hoa vàng do các chuyên gia Hà Lan cùng với Viện Công nghệ sinh học- Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam nghiên cứu và thực hiện công bố.
Lễ hội Trà hoa vàng và Lễ hội Bàn Vương được tổ chức gắn liền với nhau, tái hiện lại hành trình “vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới trên 12 con thuyền tượng trưng cho 12 dòng họ của người Dao đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Nghi lễ tưởng niệm ông tổ Bàn Vương- thủy tổ của người Dao; Lễ hội nhảy lửa… tất cả để tạo nên một tổng hiệu ứng về sự tôn vinh, quảng bá, truyền thông về sản phẩm Trà hoa vàng nói riêng, các sản phẩm đặc trưng của cả một nguồn tài nguyên vô tận những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc huyện Ba Chẽ như một lời chào, mời gọi các nhà đầu tư và du khách hãy đến với Ba Chẽ- một vùng đất với khát vọng đi lên đầy hứa hẹn. Đây là một lễ hội có sự quy tụ rất nhiều nhóm dân tộc Dao trên cả nước tham dự
Ông Quyền cho biết quy hoạch đến năm 2020 vùng dược liệu trà hoa vàng sẽ lên tới 3000 ha, trong đó trồng cây trà hoa vàng 500 ha. Tuy nhiên, hiện Ba Chẽ mới trồng được chưa đầy 200 ha, đạt 28,1 % kế hoạch. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu để đầu tư trồng và chế biến dược liệu tại địa bàn Ba Chẽ, trong đó có cây trà hoa vàng, bao gồm: Công ty cổ phần Phú Khang HT, Công ty CP Trà và Dược liệu Ba Chẽ; Công ty CP Dược, vật tư y tế Quảng Ninh.
Việc đưa cây trà hoa vàng vào sản xuất là hướng đi phù hợp, vừa bảo vệ được nguồn dược liệu quý, vừa tạo nguồn lực nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương góp phần xóa đói giảm nghèo trên quê hương Ba Chẽ.
Có thể bạn quan tâm