Chương trình được diễn ra vào 13h30 - 17h30, thứ Hai ngày 30/8/2021 trên nền tảng ứng dụng Zoom. Link Zoom sẽ được gửi đến Quý vị qua mail khi Quý doanh nghiệp, đơn vị đăng ký tham dự Chương trình.
Hiện nay, triển khai thi công hệ thống điện áp mái trong khu công nghiệp, đang gặp rất nhiều khó khăn vì các yêu cầu liên quan đến thủ tục pháp lý, cấp phép đầu tư và xây dựng.
Ngoài những thủ tục trên, các doanh nghiệp, phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi triển khai lắp đặt về điện áp mái trên văn phòng, nhà xưởng. Những quy định này đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, tạm dừng triển khai vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ các Bộ, ngành.
Hướng tới mục tiêu hoàn thiện “Chứng chỉ xanh” trong khu công nghiệp, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp đang nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh sản xuất gắn kết với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, năng lượng mặt trời có nhiều lợi ích, với thiết kế, lắp đặt, vận hành dễ dàng, đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư ngay từ sớm để đạt được tối đa điểm trong hệ thống đánh giá. Thậm chí, trong một số ngành nghề đặc thù như gia công dệt may, da giày, chế biến gỗ… các Tập đoàn đa quốc gia bắt buộc nhà máy gia công tại Việt Nam, dù chưa đạt được chứng chỉ xanh, đều phấn đấu mục tiêu lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để đáp ứng tiêu chí tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thế nhưng, hiện các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn bởi những yêu cầu, điều kiện mới phải thực hiện. Chẳng hạn như: Ngoài quy định không cho tiếp nhận số dư công suất của điện mặt trời mái nhà lên lưới, thì các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều rào cản mới về thủ tục cần bổ sung như: Giấy phép xây dựng, Giấy phép phòng cháy chữa cháy, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM...
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cho biết; ngoài những rào cản về thủ tục hành chính gây khó khăn trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN). Thì thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa công bố giá FIT3, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu và quyết định đầu tư của doanh nghiệp vì không thể tính toán chính xác hiệu quả đầu tư và thời gian hoàn vốn. Đặc biệt, việc lắp đồng hồ (công tơ) 2 chiều và ký thỏa thuận đấu nối với EVN vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời là một khoản đầu tư rất lớn, nên phải có quyết định phê duyệt của nhiều cấp trong doanh nghiệp, thậm chí phải đến thẩm quyền của Tập đoàn mẹ ở chính quốc, chính vì vậy, việc tìm hiểu các chính sách, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan để làm đúng và đầy đủ là điều bắt buộc.
Tuy nhiên, bất cập tồn tại chính là một số chính sách, hướng dẫn của các Bộ ngành là chưa rõ ràng, chưa có thủ tục - quy trình thực hiện hoặc chưa dứt khoát là doanh nghiệp có phải đề nghị để được cấp giấy phép hoặc miễn giấy phép có liên quan hay không? Khiến cho doanh nghiệp không những do dự ra quyết định đầu tư mà cả công ty quản lý hạ tầng hay ban quản lý cũng bị bối rối khi hướng dẫn hoặc phản hồi ý kiến cho doanh nghiệp.
Để tháo gỡ những bất cập về thủ tục, đề xuất kiến nghị tới các Bộ, ban ngành, đồng thời đưa ra giải pháp, kế hoạch thúc đẩy mục tiêu phát triển ứng dụng năng lượng sạch trong kinh doanh sản xuất, được sự Chỉ đạo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức Tọa đàm: "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt".
- Thời gian: 13h30 - 17h30 thứ Hai Ngày 30 tháng 8 năm 2021.
- Hình thức: Online trên nền tảng ứng dụng Zoom.
- Link đăng ký: https://forms.gle/hQkiirXmMzdTQVQM7
(Link Zoom sẽ được gửi đến Quý vị qua mail khi Quý vị đăng ký tham dự Chương trình).
Ban Tổ chức trân trọng kính mời Lãnh đạo Quý Đơn vị, đăng ký tham dự và thảo luận tại Chương trình.
Người liên hệ: PV Phương Thanh - Tel: 0978 199764 - Email: dophuongthanhvcci@gmail.com