Cà phê doanh nhân

5 kiến nghị để tạo xung lực mới cho ngành thủy sản

Đình Đại ghi 14/07/2025 02:43

Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo xung lực mới cho ngành thủy sản và trở thành một trong những động lực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, VASEP đề xuất 5 nhóm kiến nghị.

ongnam.png
Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký VASEP.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác thị trường, đặc biệt tại các quốc gia mà Chính phủ đã tạo điều kiện tiếp cận trong thời gian gần đây như Brazil, Trung Đông, Nam Mỹ, ASEAN, cùng các thị trường mới nổi đã ký hiệp định như Anh và Úc. VASEP đề nghị Nhà nước hỗ trợ xúc tiến thương mại qua kênh ngoại giao kinh tế và chương trình quốc gia, nhằm khai thông những điểm nghẽn hiện hữu.

Thứ hai, hỗ trợ phát triển nuôi tôm công nghệ cao, một lĩnh vực đang tạo lợi thế rõ rệt cho Việt Nam. Với suất đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha, trong điều kiện bình thường có thể mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng mỗi ha. Nếu mở rộng quy mô lên 100.000ha, ngành có thể đóng góp đáng kể cho GDP. VASEP kiến nghị áp dụng lãi suất ưu đãi 2% trong 3 năm đầu, 5% cho suốt vòng đời và tháo gỡ rào cản về hạn điền, đất hoang.

Hiện nay, nhiều khu đất cho các mục đích nông nghiệp đang để hoang rất nhiều. Chúng tôi rất phấn khởi khi nghe Quốc hội chuẩn bị sửa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch. Đây là cơ hội lớn để gỡ vướng cho doanh nghiệp, giải phóng đất phục vụ phát triển nuôi tôm công nghệ cao, tạo thêm sinh kế và tăng nguồn thu ngoại tệ.

Thứ ba, cần khơi thông các nút thắt về thể chế để thúc đẩy lực kéo cho nông - ngư dân. Dù xuất khẩu thủy sản đạt 9-11 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua, nhưng đà tăng đang chững lại. Cần có động lực mới từ chính sách, công nghệ đến phân vùng khai thác để tạo điều kiện cho ngư dân phát triển hợp pháp, không bị cản trở bởi thủ tục bất hợp lý.

Cụ thể, VASEP kiến nghị cần xử lý dứt điểm các bất cập trong phân vùng khai thác thủy sản, đặc biệt liên quan đến nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hiện nhiều tàu đánh bắt dù được cấp phép khai thác ngoài khơi, nhưng thực tế phải hoạt động tại khu vực lộng - nơi có nguồn lợi phong phú hơn, lại bị coi là vi phạm, khiến hàng hóa không thể được cấp giấy chứng nhận để xuất khẩu.

Thứ tư, củng cố chuỗi cung ứng theo hướng xanh, truy xuất nguồn gốc, gắn với công nghệ. Với một chuỗi vững chắc, sản phẩm xuất khẩu không còn chỉ là hàng hóa, mà còn là sự xác tín, là “niềm tin" về chất lượng và tiêu chuẩn Việt Nam trong mắt đối tác.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng chúng ta phải đầu tư vào công nghệ cao và hiện diện tại các thị trường lớn như Mỹ thì mới có thể bật lên được, cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn sinh kế.

Thứ năm là vấn đề đấu tranh thương mại quốc tế. Bên cạnh vụ thuế tôm với Mỹ, thì còn có bất cập về quota tôm trong FTA với Hàn Quốc. So sánh với Chile, nước vừa ký hiệp định thương mại với Hàn Quốc mà không có điều khoản về định mức nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam chỉ được hưởng ưu đãi trong khuôn khổ 15.000 tấn mỗi năm, phần vượt sẽ bị đấu thầu. Do đó, Chính phủ cần có biện pháp đàm phán để giúp các doanh nghiệp thủy sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường còn nhiều dư địa này.

Ngày 07/06, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 19 (POR19) liên quan đến lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, giai đoạn từ 01/02/2023 đến 31/01/2024. Cụ thể, DOC xác định Công ty Thông Thuận không bán phá giá với biên độ 0%, trong khi Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) lại bị áp mức thuế sơ bộ 35,29%. Đáng chú ý, mức thuế này cũng được áp cho 22 doanh nghiệp khác thuộc nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt nhưng không bị kiểm tra bắt buộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
5 kiến nghị để tạo xung lực mới cho ngành thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO