Công nghệ

Chuyển đổi số trong ngành khai thác thủy sản

Lê Cường 04/07/2025 00:30

Những năm gần đây, ngư dân trong vùng biển Nam Định cũ và Ninh Bình mới đã mạnh dạn áp dụng trang thiết bị hiện đại, đưa công nghệ, chuyển đổi số vào khai thác thủy sản.

Tích cực chuyển đổi số

Thời gian qua, nhiều chủ tàu địa phương cũng đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong quy trình đánh bắt nhằm nâng cao hiệu quả. Từ đánh bắt theo kiểu truyền thống, nay đa số ngư dân đã quen với việc ghi nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo vị trí đánh bắt qua hệ thống giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc thủy sản…

Mặc dù số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực thủy sản có sự gia tăng về các giấy phép và chứng nhận do yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng quá trình cải cách hành chính và chuyển đổi số đã giúp cải thiện chất lượng thủ tục, đơn giản hóa quy trình và giảm bớt sự phức tạp, giúp tăng hiệu quả và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

4.png
Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử

Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen của hàng nghìn ngư dân hoạt động trên tàu cá vẫn chậm so với yêu cầu thực tế. Hiện nay, việc nộp các thủ tục hành chính như hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá... vẫn còn thực hiện bằng hình thức trực tiếp. Bên cạnh đó, việc yêu cầu ngư dân áp dụng viết nhật ký khai thác điện tử cũng còn nhiều khó khăn.

Theo quy định, thuyền trưởng hay chủ các tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên phải có nhật ký khai thác chuyến biển. Cụ thể, phải ghi, in và báo cáo đúng quy định về thời điểm, vị trí thả/thu lưới, sản lượng các loài hải sản, tổng sản lượng và các thông tin liên quan đến tàu. Tuy nhiên, các chủ tàu cá hiện nay vẫn viết nhật ký sơ sài hoặc vào đến cảng mới viết để đối phó, dẫn đến khó cấp giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác (SC) và giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản sau khai thác (CC) cho doanh nghiệp chế biến hải sản. Do đó, cần ứng dụng công nghệ số ngay ở khâu ghi nhật ký khai thác hải sản của ngư dân.

Đồng thời tích hợp hệ thống phần mềm quản lý của cảng cá với truy xuất nguồn gốc hải sản. Điều này không chỉ đảm bảo thông tin chính xác trong suốt hành trình tàu cá hoạt động trên biển mà khi tàu về đến cảng cá, ngành chức năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt. Từ đó đảm bảo việc xác nhận SC, chứng nhận CC nhanh gọn, chính xác và minh bạch.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) trên địa bàn đang được triển khai thực hiện. Tuy bước đầu còn gặp khó khăn, vướng mắc như nhiều người dân không sử dụng điện thoại thông minh, trình độ và việc tiếp cận với công nghệ mới còn chậm và chưa sẵn sàng.

Theo BQL Cảng cá tại Nam Định (cũ): Thời gian qua, với việc vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng như Chi cục Thuỷ sản, BQL Cảng cá Nam Định đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và đầu tư trang bị các máy sử dụng hệ điều hành tương thích tại các cảng cá để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp truy cập, sử dụng hệ thống eCDT, đến nay việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) trên địa bàn tỉnh đang được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả. Hiện, tổng số tàu đã làm các thủ tục khai báo truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) là gần 5.000 lượt tàu

Đưa công nghệ số vào khai thác

Thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, thời gian qua, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý nuôi trồng và khai thác thủy sản (KTTS).

Theo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nam Định cũ nay là Ninh Bình: Từ việc ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong giám sát môi trường, xử lý các hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, số hóa quy trình từ sản xuất, nuôi trồng đến triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử trong KTTS đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

1(1).png
Lực lượng chức năng kiểm tra thiết bị định vị tàu cá

Để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, Chi cục còn thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, kết nối nội bộ và kết nối người dân thông qua ứng dụng mạng xã hội zalo với các nhóm theo chủ đề (nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản, KTTS…) nhằm chia sẻ kịp thời thông tin chuyên môn, kỹ thuật, thị trường, thời tiết… trong nuôi trồng thủy sản và KTTS. Các nhóm này không chỉ trở thành cầu nối kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, người dân mà còn giúp cải thiện khả năng dự báo sản lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác, chế biến; giảm rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh.

Điểm sáng trong quá trình số hoá nuôi trồng thủy sản là Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư đã kết nối, hỗ trợ nhiều cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao hợp tác với các nhà sản xuất lắp đặt thí điểm các thiết bị quan trắc môi trường tự động thay cho việc đo thủ công bằng các thiết bị cầm tay (máy đo, que test). Hệ thống này giúp người nuôi theo dõi các chỉ số môi trường nuôi như nhiệt độ, pH, độ mặn… trong ao một cách chính xác, liên tục, hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả phòng bệnh.

Dữ liệu thu được tự động cập nhật liên tục qua phần mềm quản lý chuyên dụng, giúp chủ ao phát hiện sớm các vấn đề, từ đó đưa ra quyết định kịp thời và chính xác, giảm thiểu thiệt hại do môi trường biến động.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tăng cường công tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến. Thông qua các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền, người nuôi được tiếp cận các phương pháp quản lý, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ mới và cách ứng dụng các công cụ số trong quản lý sản xuất.

Hiện nhiều hộ nuôi sử dụng các phần mềm tích hợp quản lý toàn diện quy trình sản xuất từ quản lý con giống, chăm sóc, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc đến thu hoạch và kết nối tiêu thụ. Qua đó, người nuôi kiểm soát được chi phí, lợi nhuận, quản lý thông tin về lịch sử chăm sóc và sức khỏe của thủy sản hướng tới số hóa hồ sơ sản xuất để tự động cập nhật số liệu trên các hệ thống quản lý hành chính theo quy định, nhất là đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản. Đây là tiền đề quan trọng để minh bạch hóa quy trình, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản nuôi, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.

Với lĩnh vực KTTS, quá trình chuyển đổi số cũng ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng. Ngư dân ngày càng mạnh dạn áp dụng trang thiết bị hiện đại trong khai thác, đánh bắt hải sản. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có gần 8.400 lượt tàu làm các thủ tục khai báo eCDT.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng thủy sản cũng đang được ngành chức năng tỉnh triển khai thông qua các kênh thông tin trung gian, hệ thống các ứng dụng mạng xã hội. Tại đây, các cơ sở cung cấp thông tin cần thiết về năng lực sản xuất, sản phẩm, thời gian và khả năng cung ứng để những người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận thông tin, nhanh chóng tìm được nguồn sản phẩm theo đúng nhu cầu. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí trung gian mà còn tăng hiệu quả tiêu thụ, góp phần ổn định thị trường.

Với định hướng đúng đắn, sự đồng hành của ngành chức năng và tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân, ngành thủy sản địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng số hoá, hướng tới mục tiêu “nông nghiệp thông minh”, tạo dựng nền kinh tế biển hiện đại và hiệu quả.

Không chỉ tạo nên những thay đổi tích cực về phương thức quản lý, tổ chức sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, chuyển đổi số còn là giải pháp cốt lõi để bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh xã hội để phát triển bền vững ngành thủy sản trong kỷ nguyên số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển đổi số trong ngành khai thác thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO