Sau một khoảng thời gian dài “làm ngơ” dư luận xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lên tiếng về cuốn sách Công nghệ giáo dục. Có điều, đang có một sự chung chung đến khó hiểu.
Chưa bao giờ vấn đề giáo dục tiểu học, đặc biệt là lớp 1 lại được các bậc phụ huynh và dư luận quan tâm đến thế. Hiện nay, đi đâu cũng thấy mọi người xì xào bàn tán về Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục. Đa phần đều mang tâm lý phản đối và bất an, lo lắng.
Trước làn sóng phản đối, cùng với tâm lý hoang mang của xã hội. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số”.
Và “căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Có thể bạn quan tâm
16:45, 08/09/2018
11:30, 08/09/2018
11:01, 04/09/2018
11:00, 30/08/2018
05:07, 29/11/2017
Vậy là, sau một khoảng thời gian dài “làm ngơ” dư luận xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lên tiếng. Có điều, đang có một sự chung chung, u minh nào đó đến khó hiểu, nhất là đề án thực nghiệm này. Thất bại hay thành công? Trách nhiệm của người liên quan đến đề án này như thế nào?
Vâng! Một chương trình thực nghiệm, cải cách giáo dục đã 40 năm, áp dụng cho hàng trăm ngàn con người, mà đến giờ vẫn chưa phổ biến diện rộng được là vì bản thân nó còn nhiều hạn chế. Thế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đưa ra được tỏ tường, phân định nó đúng – sai hay thành – bại của đề án.
Hơn nữa, những kết quả dạy tại vùng tái mù chữ cũng rất mơ hồ, thiếu thuyết phục vì chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ. Việc dùng hình đại diện (vuông, tròn, tam giác...) đấy là một phương pháp dạy và học phát âm. Mà đã là phương pháp thì nó sẽ phù hợp cho một số, chứ không thể hợp với nhiều con số.
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” thế này, đại diện Bộ Giáo dục lại tái khẳng định các địa phương có thể áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Có nghĩa là, Bộ Giáo dục vẫn đang “đứng ở ngã ba dòng”, không biết chọn lối đi nào cho phù hợp với “con thuyền giáo dục”? Không thể phủ định một đề án thực nghiệm lên đến 40 năm vẫn không cho ra kết quả?
Trong khi chủ biên chương trình công nghệ giáo dục dám vỗ ngực nói: "Công nghệ giáo dục là vĩnh viễn và kiên quyết phá bỏ cái nền giáo dục cũ". Chẳng lẽ, GS Hồ Ngọc Đại với tư cách là giáo sư lại không biết, không hiểu một vấn đề rất đơn giản là: Không có cái gì là vĩnh viễn, mà nó chỉ hợp trong từng giai đoạn, thời kỳ?
Sự “nước đôi” của Bộ Giáo dục đã khiến cho dư luận bức xúc và cho rằng Bộ giáo dục đang "chống lưng" cho công nghệ giáo dục. Chính sự “lách luật” của nguyên Bộ trưởng Luận cùng Thứ trưởng Hiển khi đó, cùng với chỉ đạo về tận các địa phương đã giúp tài liệu công nghệ giáo dục len lỏi vào các trường thực nghiệm với cái tên “thí điểm”, mà bỏ qua, “lờ” đi Nghị quyết của Quốc hội đã nói lên điều đó.
Giáo dục- đào tạo không chỉ có vai trò quan trọng trên lĩnh vực sản xuất vật chất mà còn là cơ sở để hình thành nền văn hoá tinh thần của xã hội. Góp phần cơ bản vào việc hình thành lối sống mới, nhân cách mới của toàn bộ xã hội..v..v.
Vậy nên, Hiến pháp và các văn bản của Đảng và Nhà nước đều xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Gần 40 năm trước, ngày 8/10/1981, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”. Mới nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Đổi mới giáo dục không thành công nếu không quan tâm đội ngũ giáo viên”.
Thế nhưng, đang có quá nhiều điều cần phải nói thẳng với nhau để tránh ngộ nhận. Đến nay, trừ các thành phố, thị xã, bao nhiêu tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt tiêu chí “trường ra trường, lớp ra lớp”? Và quan trọng hơn cả, bao nhiêu trường trên cả nước đạt tiêu chí “thầy ra thầy”, điều mà hai vị Thủ tướng cùng nhấn mạnh?
Một loạt các đề án giáo dục, trong đó có công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, nếu thành công thì năm 2013 Trung ương đã không phải ban hành Nghị quyết số 29 – NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường”.
Thật buồn, khi thí điểm 40 năm vẫn không tìm ra đáp án cho đề án! Ngành đào tạo con người mà cứ theo kiểu “lấy mô hình làm thí điểm, lấy học sinh làm chuột bạch” thế này thì thử hỏi sự ai sẽ chịu trách nhiệm - người đứng đầu hay chủ biên đề án - sẽ chịu trách nhiệm nếu công trình này thất bại?