Ngày 14/7 vừa qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang (mới) tổ chức Hội thảo khoa học Định hướng phát triển phát triển kinh tế xã hội và góp ý Văn kiện Đaị hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030.
Tham dự hội thảo có các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đến từ Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Viện Kinh tế xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Kinh tế Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, cùng nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia chiến lược phát triển, quy hoạch và kiến trúc…. Hầu hết các Đại biều đều đánh giá cao việc sáp nhập tỉnh này (Kiên Giang và An Giang) đã tạo ra nhiều dư địa và không gian phát triển mới. Cụ thể như, với diện tích hơn 9.888km2, tỉnh hội tụ đủ các yếu tố “đồng bằng - đồi núi - biển đảo - biên giới”, có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch và đô thị thông minh, nhất là du lịch biển chất lượng cao. Quy mô dân số gần 5 triệu người, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ tạo ra thị trường tiêu dùng nội địa rộng mà còn thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng An Giang có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với vùng biển rộng hơn 63.000km2 tiếp giáp gần với đường hàng hải quốc tế, đường bờ biển hơn 200km, tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia gần 148km, tỉnh có 2 sân bay trong nước và quốc tế đang hoạt động nhộn nhịp với hàng chục chuyến bay mỗi ngày ở đảo Phú Quốc… rất thuận lợi giao thương quốc tế. Tỉnh có hệ thống đô thị phát triển, đặc khu Phú Quốc, cụm động lực Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên. Đây là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa…, với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Riêng 6 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang sau hợp nhất đạt trên 8,12%. Đây là 1 trong 17 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 8%. Đô thị hóa phát triển mạnh ở các khu vực, như: Châu Đốc, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên...
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải cho biết, tỉnh An Giang đang đứng trước thời cơ lịch sử để phát huy vai trò trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trở thành vùng kinh tế năng động. Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, hai tỉnh An Giang và Kiên Giang thực hiện đạt và vượt 31/40 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tốt và có nhiều khởi sắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng thương mại, dịch vụ ngày càng tăng trong GRDP.
“Tỉnh An Giang thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối. Hệ thống quy hoạch cơ bản tạo ra các cơ hội, không gian phát triển mới. Các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên, cải thiện đáng kể về chất lượng. Trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, biên giới được giữ vững; đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm, nhất là thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên”, ông Hải phát biểu.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết thêm, tình hình chung của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Nhiệm kỳ qua, tỉnh còn 9 chỉ tiêu chưa đạt nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu bền vững, chất lượng chưa cao, tỷ trọng của ngành nông lâm thuỷ sản trong cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất chậm, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng bình quân chung cả nước với khoảng 3.700USD/năm…Trước tình hình trên, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030 xác định mục tiêu đến năm 2030: An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia. Đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế. Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính, thương mại - dịch vụ, tổng hợp và chuyên ngành.
Đó là không ít ý kiến của nhiều nhà khoa học và chuyên gia đưa ra nhận định. Bởi hướng đi của An Giang mới không thể “copy” mô hình tăng trưởng của tỉnh thành nào trong và ngoài nước. Bởi theo PGS,TS Trần Đình Thiên cho rằng, trong môi trường quốc tế nhiều bất ổn thì khó có thể ổn định theo mô hình nào. Trong khi đó để đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước phải tăng trưởng kinh tế 2 con số… thì sắp tới tỉnh An Giang buộc phải có nhiều đột phá bất thường và phấn đấu khác thường để đạt thu nhập bình quân của cả nước là 7.500 USD/người/năm. Cụ thể mọi chỉ tiêu kinh tế của An Giang phải tăng trưởng gấp đôi, gấp ba lần hiện nay. Tỉnh An Giang mới không thể cộng dồn cơ học về kinh tế của 2 tỉnh cũ thành qui mô kinh tế lớn của tỉnh mới.
Tuy vậy, PGS,TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý tỉnh An Giang nên tranh thủ thời cơ “giải nén” của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân để tạo ra hiệu ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Theo đó phải xây dựng cấu trúc mới mới để thu hút kinh tế tư nhân phát triển và xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh tham gia vào nhiều lĩnh vực quan trọng về khoa học và cộng nghệ trong cả nước và khu vực. Trong đó năng lực xã hội phải thay đổi căn bản về khoa học công nghệ, chứ không chỉ bằng năng lực truyền thống. Cụ thể năng lực thời đại là con người sáng tạo kết hợp với công nghệ thời đại.
“Để đạt mục tiêu như kỳ vọng, làm cho mô hình kinh tế biển “bùng nổ”, kinh tế cửa khẩu “bùng nổ”…thì tỉnh An Giang mới phải xây dựng thể chế tốt để tạo ra mọi sự đột phá khác thường cho các mô hình kinh tế “bùng nổ”. Theo đó tỉnh An Giang có thể tự thí điểm thể chế “tự quyết – tự làm – tự chịu trách nhiệm” như chủ trương của Trung ương Đảng đề ra”, PGS,TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia góp ý thêm, để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, An Giang không chỉ dựa vào giá trị nông nghiệp. Tỉnh nên xem phát triển nông nghiệp là tiền đề để phát triển xã hội và xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao. Trong đó phải xây dựng được các thể chế thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, hạn chế xuất khẩu thô –nguyên liệu trái cây ra nước ngoài. Các thể chế phải phục vụ mục tiêu chiến lược là chi phí thấp, qui mô lớn và phát triển nhanh. Vì vậy khi xây dựng chủ trương, Nghị quyết của tỉnh phải sâu sắc, rõ ràng, thuyết phục cao…làm cho mọi người nhìn vào Nghị quyết đều thấy vai trò và nhiệm vụ của mình trong đó.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải Để ghi nhận, nhiệm vụ sắp tới còn rất nặng nề, trong đó cơ hội và tiềm năng rất lớn, những hạn chế khó khăn của tỉnh An Giang vẫn còn nhiều. Do vậy, Đảng và chính quyền tỉnh An Giang rất cầu thị và trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báo của các chuyên gia, nhà tư vấn, nguyên các lãnh đạo qua các thời kỳ…để xây dựng An Giang mới giàu đẹp, xứng tầm với vị thế, tiềm năng thiên nhiên và con người nhiệt huyết nơi đây.