Sự mở rộng hợp tác thương mại của các nước ASEAN đang giúp khối có vị thế tốt hơn trước "cơn bão" thuế quan từ Mỹ.
Trong nhiệm kỳ I của ông Trump, các quốc gia thành viên ASEAN đã đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình, tăng cường quan hệ với các khối kinh tế khác và thúc đẩy các giao dịch nội khối.
Ông Stephen Olson, thành viên cấp cao thỉnh giảng của chương trình nghiên cứu kinh tế khu vực tại Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: "Đây chính xác là những gì khu vực nên làm".
“Khi Mỹ tiếp tục từ bỏ vai trò lịch sử của mình với tư cách là lực lượng dẫn đầu toàn cầu về thương mại tự do, điều này vừa tạo ra cơ hội, vừa thúc đẩy những bên khác nắm bắt và dẫn dắt”, ông Stephen Olson giải thích.
Chuyên gia này cũng nói thêm rằng, trong khi Mỹ vẫn tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất thế giới, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, với tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng, sự tinh vi về công nghệ ngày càng tăng và niềm tin liên tục vào lợi ích của thương mại.
Đồng quan điểm, ông Joshua Kurlantzick, thành viên cấp cao về Đông Nam Á và Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tin rằng điều này đang mang lại cho Đông Nam Á nhiều đòn bẩy hơn liên quan đến Mỹ.
Ông Olson tin rằng biện pháp phòng thủ tốt nhất của Đông Nam Á trước tình hình hỗn loạn kinh tế sắp xảy ra do thuế quan của Tổng thống Trump gây ra là tăng cường hơn nữa hội nhập khu vực và củng cố quan hệ với các đối tác toàn cầu.
Cụ thể, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và một phần ba dân số thế giới, được ký kết vào năm 2020 bởi 10 quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, dựa trên các hiệp định ASEAN+1 hiện có và đặt ra mục tiêu xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 92% hàng hóa được giao dịch giữa các thành viên.
“Mỹ là một quốc gia lớn, nhưng không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới. Những quốc gia khác trên thế giới có sức mạnh riêng và họ không nhất thiết phải liên kết với lợi ích của Mỹ", ông Cedomir Nestorovic, giáo sư giảng dạy chương trình Mannheim Executive MBA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khoa quản lý tại Trường Kinh doanh Essec, Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Từng quốc gia thành viên ASEAN cũng đã tuyên bố lập trường mới.
Gần đây, vào ngày 23/1, Thái Lan đã ký một thỏa thuận với bốn quốc gia thành viên của Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu - Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Trong khi đó, Malaysia đã nối lại các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu về một hiệp định thương mại tự do sau hơn một thập kỷ đàm phán bị đình trệ vì tranh chấp dầu cọ. Mặt khác, hiệp định thương mại tự do của Philippines với Hàn Quốc đã có hiệu lực vào tháng 12 năm ngoái, sau khi được ký vào tháng 9/2023.
Một ví dụ đáng chú ý khác là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Được ký vào năm 2018, hiệp định này quy định việc xóa bỏ 99% dòng thuế khi được thực thi hoàn toàn. Với sự gia nhập của Vương quốc Anh, CPTPP hiện chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ASEAN không thể ngủ quên trên chiến thắng. Theo Bryan DeAngelis, đối tác và người đứng đầu công ty giải pháp cho bên liên quan Penta tại văn phòng Washington: "Khu vực này hiện đang ở vị thế mạnh hơn nhờ quan hệ đối tác thương mại mở rộng và hợp tác tốt hơn, nhưng có thể gặp trở ngại với Tổng thống Trump, người có thể coi việc ASEAN có quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các thị trường khác là mối đe dọa đối với vị thế kinh tế của Hoa Kỳ".
Theo quan điểm riêng, ông Trump có một cách nhìn đơn giản về chính sách đối ngoại, đó là liệu Mỹ có đang chiến thắng hay không.
"Ông ấy có một danh sách dài các quốc gia và vấn đề thương mại đang thu hút sự chú ý của ông ấy ngay bây giờ. Cuộc cạnh tranh kinh tế của Mỹ với Trung Quốc đứng đầu danh sách đó và ông Trump sẽ xem xét phần còn lại của khu vực thông qua lăng kính các quốc gia nào là đồng minh trong cuộc cạnh tranh đó", ông DeAngelis cho biết.
Chuyên gia Olson của Viện Iseas-Yusof Ishak lưu ý rằng sự phát triển kinh tế của Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ phần lớn là nhờ vào một hệ thống thương mại toàn cầu có trật tự, dựa trên các quy tắc.
Ông Olson giải thích rằng, các rào cản thuế quan và phi thuế quan đã được giảm dần và các tranh chấp thường được giải quyết trên cơ sở các quy tắc thương mại được thỏa thuận chung thay vì sức mạnh. Do đó, cách tiếp cận thương mại theo kiểu "sức mạnh tạo nên lẽ phải" của ông Trump sẽ làm suy yếu sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu.
Giới quan sát đồng thuận rằng, ông Trump sẽ mong đợi Đông Nam Á sẽ ngồi vào bàn đàm phán với các giải pháp. “ASEAN cần cho thấy rằng họ không phải là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, hoặc có thể định vị mình là đối tác quan trọng của Mỹ về mặt kinh tế”, ông Olson gợi ý.