Châu Âu đang hành động quyết đoán hơn với Trung Quốc về xe điện, giống như cuộc chiến họ làm 10 năm về trước. Liệu EU có thắng lần này?
>> Công nghiệp ô tô - Bài 10: Trung Quốc phát triển ô tô điện như thế nào?
Thông báo của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen về cuộc điều tra trợ cấp xe điện của Trung Quốc mới đây đã gợi lại những ký ức cay đắng về cuộc đối đầu giữa Brussels và Bắc Kinh một thập kỷ trước về tấm pin mặt trời, nơi Châu Âu đã phải lùi bước.
Cựu Giám đốc thương mại EU, ông Karel De Gucht, người phụ trách vấn đề đó 10 năm trước, cho rằng trong lần này, EU phải rút ra được những bài học trong một cuộc xung đột hứa hẹn sẽ có nguy cơ cao hơn nhiều.
Theo ông, việc EU đánh mất ngành công nghiệp pin mặt trời tương đối nhỏ so với chuyện thất bại trong cuộc chiến chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp ô tô – một yếu tố có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế.
Vào năm 2012 và 2013, khi De Gucht thúc đẩy các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc khi đưa tấm pin mặt trời và thiết bị viễn thông giá rẻ vào thị trường châu Âu, Bắc Kinh đã khiến các nước EU chống lại nhau trong chiến thuật “chia để trị”.
Ông De Gucht nói với tờ Politico: “Không có một sự đồng thuận nào trong Ủy ban Châu Âu về các tấm pin mặt trời vào thời điểm đó. Có rất nhiều áp lực từ Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên EU, những người lo sợ bị trả thù. Vì vậy, vào thời điểm chúng tôi sẵn sàng hành động, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở châu Âu hầu như không còn gì cả. Các biện pháp cũng không đủ mạnh vì thiếu sự đồng thuận trong EU."
Có tới 18 nước EU đã khuyên De Gucht không áp thuế. Kể cả khi ông áp thuế, EU chỉ dám áp đặt mức thuế thấp, sau đó chỉ tăng cao hơn sau vài tháng, nhằm câu giờ và đạt được giải pháp thương lượng.
Theo ông De Gucht, kể từ sự thất bại đó, thái độ bất mãn với Trung Quốc đã ngày càng gay gắt hơn ở Châu Âu. "So với 10 năm trước, đó là sự khác biệt lớn”, ông De Gucht cho biết. Chính bà Von der Leyen thậm chí đã nhắc đến bài học sụp đổ của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu trong bài phát biểu tại Liên bang vào tuần trước.
“Chúng tôi không quên các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến ngành năng lượng mặt trời của châu Âu như thế nào… Nhiều doanh nghiệp trẻ đã bị đẩy ra ngoài bởi các đối thủ Trung Quốc được trợ cấp quá mức ”, bà Von der Leyen tuyên bố.
Rủi ro với ngành xe điện của EU lần này còn cao hơn nhiều. Bởi doanh số bán xe điện toàn cầu được dự báo sẽ tăng gần 1/3 chỉ riêng vào năm 2023 lên hơn 14 triệu chiếc - trị giá 560 tỷ USD.
>> Ô tô điện giá rẻ Trung Quốc sẽ "đổ bộ" thị trường Mỹ?
Bà Elvire Fabry, một chuyên gia thương mại tại Viện Jacques Delors ở Paris, cho biết: “Phản ứng từ phía châu Âu diễn ra nhanh hơn đối với xe điện, chính xác là vì chúng tôi có tiền lệ về tấm pin mặt trời và chúng tôi đang đối phó với một lĩnh vực đóng vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế châu Âu”.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang ở giai đoạn bước ngoặt. Thậm chí, những người bi quan hơn cho rằng có lẽ đã quá muộn khi sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện đã được hình thành hơn một thập kỷ. Nếu châu Âu không thể có chuỗi cung ứng pin riêng, chính sách công nghiệp thân thiện với môi trường của EU sẽ không thể phát huy lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc trong ngành ô tô.
“Có một sự thay đổi hoàn toàn trong một ngành công nghiệp then chốt. Nếu châu Âu không cùng nhau hành động, họ sẽ mất vai trò dẫn đầu trong ngành đó”, Holger Hestermeyer, Giáo sư luật tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Vienna, cho biết.
Dù quyết tâm chính trị lần này của EU đã khác, nhưng nguy cơ về một thất bại khác trong cuộc tranh cãi thương mại vẫn không hề nhỏ. Áp lực ngay trước mắt là sự trả đũa của Trung Quốc.
Ông John Clancy, một nhà tư vấn độc lập, người phát ngôn thương mại của Ủy ban châu Âu tại thời điểm điều tra năng lượng mặt trời, nhắc lại chiến thuật “chia để trị” của Trung Quốc.
“Họ nhắm vào tất cả các lĩnh vực nhạy cảm hơn ở các quốc gia thành viên EU. Như với Pháp, Trung Quốc đã nhắm vào ngành nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu rượu vang cao cấp sang Trung Quốc, khiến Hiệp hội rượu vang Pháp gây sức ép đòi hủy bỏ việc áp thuế", ông John Clancy cho biết.
Rủi ro thứ hai là thời gian. Các cuộc điều tra chống trợ cấp thường mất một năm, nghĩa là Ủy ban châu Âu được bầu tiếp theo vào năm 2024 sẽ quyết định có nên phát động một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc hay không.
Ông Clancy cho biết, sự bất ổn chính trị đó mang lại cho Trung Quốc nhiều đòn bẩy hơn: “Thật kỳ lạ khi một Chủ tịch Ủy ban Châu Âu lại công bố một biện pháp thương mại lớn như vậy vào cuối nhiệm kỳ của mình. Trong bất kỳ hành động giao dịch nào, bạn phải được coi là người có khả năng thực hiện được.”
Ông De Gucht cũng cho rằng vì tính thời điểm nên EC lẽ ra phải chọn một thủ tục khác thay vì điều tra chống trợ cấp. Một cuộc điều tra tự vệ có thể dẫn đến kết quả dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nó cũng sẽ làm giảm cơ hội trả đũa, vì nó sẽ không buộc tội Trung Quốc mà chỉ đơn giản chỉ ra sự gia tăng đột ngột thị phần của Trung Quốc trên thị trường ô tô điện tử châu Âu.
Có thể bạn quan tâm