Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và không tái diễn vi phạm tương tự.
>>Khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định khi trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ tại Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều 3/8 liên quan đến thông tin về việc Trung Quốc đưa một phần Quần đảo Hoàng Sa vào khu vực tập trận quân sự ở Biển Đông từ ngày 29/7 đến ngày 2/8.
Theo thông báo của nhà chức trách Trung Quốc, khu vực tập trận trải rộng từ đảo Hải Nam đến một phần Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi Macclesfield, bãi ngầm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 75 hải lý.
Trong thời gian tập trận, Trung Quốc ngăn cấm tàu bè đi vào phạm vi tổ chức diễn tập. Khu vực tập trận khá rộng, nhưng Trung Quốc không công bố chính thức về nội dung tập trận.
Cuộc tập trận từ ngày 29/7 – 2/8 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ cùng đồng minh liên tục có nhiều hoạt động quân sự ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: Hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và đi ngược lại tinh thần đối với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trình môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và không tái diễn vi phạm tương tự", bà Phạm Thu Hằng nói.
>>Nâng cao nhận thức chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven biển Đông.
Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới.
Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua.
Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam rất rõ ràng, đó là kiên trì, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp.
Việt Nam vừa đấu tranh bằng mọi biện pháp đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp nhưng vẫn phải có trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Cùng với đó, tiếp tục các chương trình phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về biển đảo, nhất là kiến thức pháp lý, không để "sự đã rồi".
Có thể bạn quan tâm
10:30, 15/07/2023
04:00, 11/07/2023
19:00, 18/05/2023
20:05, 25/04/2023