Nhìn thẳng - Nói thật

“Bệnh” lãng phí, mối hoạ của đất nước - Bài 4: Tuyên chiến “giặc nội xâm”

Nguyễn Giang 03/01/2025 11:00

“Bệnh” lãng phí đặc biệt nguy hiểm, đã đến lúc phải tuyên chiến, diệt thứ “giặc nội xâm” ấy để phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc…

Những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt. Vì vậy đã giành được những thắng lợi quan trọng, là sự cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với cán bộ, lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, có một “căn bệnh” dù đã được Đảng ta nhận diện từ lâu nhưng đến nay lại bắt đầu “hoành hành” khiến dư luận xã hội nhức nhối. Đó là “bệnh” lãng phí. Đáng buồn hơn, theo đánh giá, ở nhiều nơi, công tác đấu tranh, phòng, chống lãng phí chưa được coi trọng.

Cuộc chiến đầy cam go, phức tạp

benh-lang-phi-moi-hoa-cua-dat-nuoc-bai-4-chong-lang-phi-tuyen-chien-giac-noi-xam-1.png
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 được đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng chưa hoàn thiện nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp

Nếu như tham nhũng, một khi được “điểm mặt, chỉ tên” sẽ bị xử lý một cách nghiêm khắc, thích đáng, thì lãng phí ở nhiều trường hợp dù gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng lại chỉ bị coi là “khuyết điểm”. Minh chứng điển hình mà ai ai cũng thấy là những nhà đất bị bỏ hoang, những dự án, công trình nghìn tỷ dở dang, hiệu quả sử dụng kém… dễ nhận thấy, đó là sự lãng phí khổng lồ, không thể nào đo đếm.

Như đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm, trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Bởi, lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Lãng phí đang làm suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Lãng phí cũng làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế- xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Do vậy, đấu tranh phòng, chống lãng phí, cần được thống nhất nhận thức là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng vững mạnh.

Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Dũng - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, sau bài viết của Tổng Bí thư, vào cuối tháng 10 vừa qua Ban Chỉ đạo Trung ương đã bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí. Tới nay, cơ bản các ban chỉ đạo ở cấp tỉnh cũng đã bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí theo quy định của Ban Bí thư. Các địa phương đã tiến hành rà soát các dự án, vụ việc có dấu hiệu thất thoát, lãng phí. Trong đó Hà Nội rà soát hơn 800 dự án và mới tập trung xử lý 3 vụ án đã thu hồi hơn 42.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo mới đây đã đề ra các chủ trương cấp bách để tiến hành công tác chống lãng phí. Trong đó nêu rõ rà soát phát hiện các sai phạm liên quan lãng phí theo tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Cùng với đó khẩn trương rà soát thể chế liên quan phòng, chống lãng phí, tạo chuyển biến mới trong công tác phòng, chống lãng phí.

Đối với 2 trong 3 dự án điển hình về lãng phí là Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho biết, tại Phiên họp 27 của Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 31/12/2024, Tổng Bí thư đã yêu cầu phải thanh tra, kết luận thanh tra và hoàn thành trước 31/3/2025, sau đó triển khai ngay biện pháp để đưa vào hoạt động, không để kéo dài, chậm trễ hơn nữa.

benh-lang-phi-moi-hoa-cua-dat-nuoc-bai-4-chong-lang-phi-tuyen-chien-giac-noi-xam-2.jpg
Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng đang gặp nhiều khó khăn nên chưa thể về đích đúng hạn.

Còn đối với siêu dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng ở TP HCM “vướng” nhiều bất cập suốt 2 nhiệm kỳ gây lãng phí, bức xúc trong dư luận xã hội. Theo lãnh đạo thành phố, đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% tổng khối lượng và hoàn tất kiểm toán 3.000 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh đề xuất thanh toán trước phần tiền này để nhà đầu tư hoàn thành khối lượng thi công còn lại của dự án, khoản chênh lệch vốn sẽ dùng để trả nợ ngân hàng, giảm lãi. UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để làm rõ về việc điều chỉnh phụ lục hợp đồng, pháp lý quỹ đất, tiến độ công việc cụ thể nhằm giải quyết vướng mắc, sớm hoàn thành dự án.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 cho biết, dự án chậm trễ kéo theo những hệ lụy về chi phí lãi suất thương mại tăng cao, cũng như nguy cơ lãng phí lớn ngân sách nhà nước. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc, quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, chúng tôi kỳ vọng các thủ tục liên quan đến giải ngân, giao đất và bảo đảm tài chính sẽ sớm được hoàn tất. Đơn vị chủ đầu tư khẳng định sẵn sàng và quyết tâm hoàn thành dự án trong vòng 12 tháng sau khi thành phố tháo gỡ các vướng mắc và tạo điều kiện cần thiết để dự án sớm hoàn thành, mang lại lợi ích hạ tầng to lớn cho người dân và thành phố.

Ngày 17/12 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 9275/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án này. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9050/VPCP-NN ngày 9/12/2024 trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án xử lý các vướng mắc của dự án, trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất phương án xử lý các vướng mắc.

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố, cần chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án khả thi, hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án... không để chậm trễ kéo dài, xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước và thiệt hại cho nhà đầu tư.

Trở lại nội dung bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm, dường như đây là một lời hiệu triệu toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta, các cấp, bộ, ban, ngành và mỗi người dân ra sức phòng, chống lãng phí, đẩy lùi “giặc nội xâm” khơi dậy sức dân và tăng cường nguồn lực cho đất nước. Có thể thấy, lời hiệu triệu ấy của Tổng Bí tư đã và đang được thực hiện một cách quyết liệt với tinh thần cao nhất.

benh-lang-phi-moi-hoa-cua-dat-nuoc-bai-4-chong-lang-phi-tuyen-chien-giac-noi-xam-3.jpg
Tổng Bí thư đã yêu cầu phải thanh tra, kết luận thanh tra và hoàn thành trước 31/3/2025, sau đó triển khai ngay biện pháp để đưa vào hoạt động, không để kéo dài, chậm trễ hơn nữa.

Xác định lãng phí tương đương với tham nhũng để sửa Luật

Theo ông Lê Việt Trường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Báo cáo của cơ quan thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp từ cuối năm 2023 đã cho thấy lãng phí trong xây dựng và hoàn thiện thể chế thực sự không hề nhỏ. Điều đó chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là do tồn tại, bất cập về thể chế.

Và trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh hai giải pháp cần phải thực hiện ngay, là “hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí và đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí”.

Từ thực tiễn công tác phòng, chống lãng phí và những chỉ đạo mang tính định hướng trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, có thể thấy một số giải pháp để hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí và đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật nhằm phòng, chống lãng phí từ gốc của vấn đề:

Thứ nhất, cần thống nhất quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng xác định lãng phí tương đương với tham nhũng. Theo đó, chế tài xử lý đối với lãng phí phải cao hơn, nghiêm minh hơn so với Luật hiện hành.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong hệ thống pháp luật của Nhà nước theo hướng tăng quy định định lượng (tiêu chuẩn, định mức, chế độ, chính sách cụ thể), ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng chất lượng quản lý; tăng cường tính công khai, minh bạch (trừ quy định liên quan đến pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước), loại trừ việc cài cắm lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm…

Đặc biệt, cần quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm để khi xảy ra lãng phí có thể xem xét trách nhiệm cá nhân được; quy định tối đa những vấn đề có thể dẫn đến lãng phí kèm theo các biện pháp phòng ngừa trong luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc giao cho Chính phủ, các chủ thể khác ban hành văn bản dưới luật.

Thứ ba, thực hiện tốt chức năng giám sát mang tính quyền lực của cơ quan dân cử. Trong đó, cần tăng cường năng lực giám sát của các cơ quan của Quốc hội về ban hành văn bản của các chủ thể được luật, pháp lệnh, nghị quyết giao, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành và nên có chế tài nghiêm khắc đối với việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm so với thời gian quy định. Tăng cường hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khi tự mình phát hiện hoặc thông tin từ Báo cáo của mặt trận tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh của báo chí và dư luận xã hội về các vụ việc có dấu hiệu gây lãng phí lớn.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế và quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm quyền của Đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên thực tế. Với 500 đại biểu Quốc hội, cần có thể chế để phát huy “500 trí tuệ”, “500 đôi mắt tinh tường” kịp thời phát hiện, kiến nghị với Quốc hội xử lý những "lỗ hổng" của pháp luật mà có thể dẫn đến lãng phí các nguồn lực của đất nước.

Đúng như nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Bệnh” lãng phí, mối hoạ của đất nước - Bài 4: Tuyên chiến “giặc nội xâm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO